03/01/2025 - 09:27

"Thắt chặt" liên kết theo chuỗi để cây dừa phát triển bền vững 

Dừa là một trong những cây trồng có thế mạnh của Việt Nam và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Với việc quan tâm đầu tư phát triển chế biến và tăng cường liên kết theo chuỗi, hiệu quả trồng dừa được nâng cao và các sản phẩm dừa của nước ta đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế, với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong những năm qua. Tuy nhiên, hiện mối liên kết theo chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp tại nhiều nơi vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục kịp thời.

Thu mua, phân loại dừa tách vỏ tại một cơ sở sản xuất kinh doanh dừa ở tỉnh Bến Tre.

Tạo nguồn ngoại tệ ngày càng lớn

Những năm qua, xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa của nước ta đã liên tục tăng, giúp tạo ra nguồn ngoại tệ ngày càng lớn và giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều lao động. Các hộ sản xuất kinh doanh và đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành dừa đã đẩy mạnh chế biến, sản xuất ngày càng đa dạng các sản phẩm từ hầu hết các bộ phận của cây và trái dừa để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện có thể kể ra hàng loạt các sản phẩm được chế biến từ trái dừa như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, dầu dừa, các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ và than được làm từ gáo dừa, các sản phẩm gia dụng và "đất sạch" phục vụ trồng trọt được làm từ vỏ dừa, gáo dừa, gỗ dừa. Hiện dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản phẩm dừa nước ta đã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ và EU. Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa đã vươn lên đạt kim ngạch 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024. Tiềm năng để phát triển xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm từ dừa được đánh giá còn rất lớn.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích trồng dừa và sản lượng lượng. Cả nước có khoảng 200.000ha trồng dừa, với sản lượng trên 2 triệu tấn/năm. Với sự quan tâm của ngành chức năng trong hỗ trợ, thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành các vùng trồng dừa tập trung đạt các tiêu chuẩn, chất lượng gắn với chế biến và xuất khẩu. Qua đó, giúp nông dân bán sản phẩm với mức giá tốt và có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập. Tuy nhiên, hiện mối liên kết theo chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp tại nhiều nơi vẫn còn chưa thật chặt chẽ và nhịp nhàng. Tình trạng "bẻ kèo" và không thực hiện đúng các thỏa thuận với nhau vẫn còn xảy ra, nhất là khi giá dừa khô có biến động tăng, giảm mạnh. Thời gian qua, có tình trạng có nhiều thời điểm doanh nghiệp chế biến kêu thiếu nguyên liệu, trong khi có nhiều nông dân và hợp tác xã trồng dừa lại than khó trong việc tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm. Ở một số địa phương, nông dân còn trồng dừa tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết với nhau và với doanh nghiệp.

Cần "thắt chặt" liên kết

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa" tại tỉnh Bến Tre. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan tăng cường liên kết theo chuỗi. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt để "thắt chặt" liên kết giữa các hộ dân trồng dừa với nhau và với các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, cho rằng: "Ðể ngành dừa phát triển bền vững, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong liên kết theo chuỗi và có giải pháp giúp hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Chú ý bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và hỗ trợ nông dân trong xây dựng, thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp một cách chặt chẽ, ai vi phạm thì bị xử lý nghiêm. Mặt khác, chú ý phát triển các cơ sở hạ tầng, giao thông để tạo thuận lợi cho nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mức giá tốt".

Ðể tạo thuận lợi cho xuất khẩu dừa, tới đây các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt các vùng trồng và cơ sở chế biến để đảm bảo các yêu cầu của thị trường về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm dừa xuất khẩu, nhất là sản phẩm chế biến sâu. Tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ… Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ NN&PTNT, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm dừa của nước ta trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta phải hướng đến nền sản xuất minh bạch và chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghiệp chế biến dừa, tận dụng tối đa các phụ phẩm để hình thành một ngành kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra giá trị gia tăng cao và mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.

Bến Tre hiện là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước, với 80.000ha với hơn 170.000 người dân tham gia trồng dừa và tỉnh có hơn 170 doanh nghiệp tham gia chế biến dừa. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu dừa của tỉnh luôn đạt từ mức 350 triệu USD/năm trở lên. Ông Huỳnh Quang Ðức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: "Tỉnh xác định liên kết chuỗi là nền tảng của mọi nền tảng. Bởi chỉ khi lập chuỗi, với sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp thì mới chuyển đổi được sản xuất, lập được các vùng nguyên liệu, tạo được sản phẩm đáp ứng thị trường. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã tham gia liên kết với nông dân trong tỉnh để xây dựng các vùng nguyên liệu dừa đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn phục vụ xuất khẩu, trong đó hiện có hơn 20.000ha dừa hữu cơ. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển các vùng nguyên liệu và rất cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn nữa, cũng mong các doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết với nông dân đảm bảo thu mua hết sản phẩm. Bến Tre cũng quan tâm tăng cường kết nối với các tỉnh bạn để phát triển cây dừa bền vững". Theo ông Lê Văn Ðông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, tỉnh có 28.000ha dừa. Hiện có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia liên kết với nông dân và các hợp tác xã để xây dựng các vùng nguyên liệu, trong đó đã có hơn 5.000ha dừa hữu cơ. Song, diện tích có hợp đồng liên kết vẫn còn ít và tỉnh rất mong tới đây có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mở rộng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và vùng dừa có mã số vùng trồng.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết