07/12/2024 - 08:58

Thúc đẩy nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm trái cây 

* Xuất khẩu trái cây cả năm 2024 có thể đạt 6,5 tỉ USD

Các đại biểu tham dự điễn đàn tại điểm cầu chính ở tỉnh Hòa Bình.

(CT) - Ngày 6-12, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và được kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu trong cả nước.

Hiện nước ta có hơn 1,26 triệu héc-ta cây ăn trái, trong đó ĐBSCL là vùng có diện tích lớn nhất, chiếm gần 32% diện tích cả nước, kế đến là vùng trung du miền núi phía Bắc chiếm 21,4% diện tích cả nước. Hiện các sản phẩm trái cây và rau quả của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất rau quả của nước ta đã đạt 6,66 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong cả năm nay có thể đạt tới 7,2 tỉ USD, trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm trái cây các loại có thể đạt tới 6,5 tỉ USD. Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, đến nay nước ta đã đàm phán và mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Trong đó, thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho xuất khẩu chính ngạch đối với trái thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng, ớt, thạch đen, khoai lang, dừa và sầu riêng đông lạnh, còn thị trường Hoa Kỳ gồm có thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài và bưởi…

Thời gian qua, trái vải và nhiều loại trái cây ở các tỉnh phía Bắc cũng đã được tiêu thụ ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.

Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, viện, trường và đơn vị có liên quan đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây và rau quả của cả nước nói chung và tại các tỉnh phía Bắc nói riêng. Thông tin về tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn, chất lượng của một số thị trường xuất khẩu lớn của nước ta đối với sản phẩm trái cây…Qua đó, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đề ra các giải pháp, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với các loại trái cây có thế mạnh và tiềm năng. Trong đó, các tỉnh phía Bắc có nhiều sản phẩm trái cây có thế mạnh như vải, mận, trái cây có múi (cam, bưởi, quýt)… Nhiều đại biểu kiến nghị, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến và công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng cần chú ý hỗ trợ và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp liên kết theo chuỗi. Thực hiện tốt các khâu sản xuất từ chọn tạo giống đến chuẩn hóa sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng và yêu cầu của thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Dịp này, các doanh nghiệp, nhà thu mua cùng với các hợp tác xã, hộ nông dân cũng đã chia sẻ các thông tin về cung - cầu sản phẩm để kết nối tiêu thụ.

Sầu riêng là loại trái cây được xuất khẩu rất mạnh trong năm 2024. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết