12/05/2015 - 22:07

PHIÊN HỌP THỨ 38 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII

THẢO LUẬN DỰ ÁN BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI) VÀ TUYÊN TRUYỀN ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG HIỂU ĐÚNG QUY ĐỊNH ĐIỀU 60 LUẬT BHXH-2014

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, và nhiều ý kiến khác tán thành quy định hình thức sở hữu theo phương án 1 gồm 3 hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật cũng tán thành với quan điểm này và cho rằng bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập để phù hợp với Hiến pháp và tính chất quan trọng của hình thức sở hữu này trong quan hệ dân sự.

Về quyền được chuyển đổi giới tính (Điều 36) Bộ luật Dân sự hiện hành và dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quan điểm này và đề nghị dự thảo quy định theo phương án việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật, dự thảo cần tách thành hai điều: Về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính.

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 483) dự thảo quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp. Đây là mức lãi suất dễ tiếp cận, có sự thay đổi linh hoạt theo tình hình phát triển kinh tế- xã hội.

 Chiều 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân và xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 Điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định: Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn, do đó việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân phải gắn với thực tiễn, phù hợp với thể chế chính trị đất nước cũng như điều kiện kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân.

Cũng trong chiều 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Báo cáo của Chính phủ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016.

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc thì tạm thời chưa giải quyết bảo hiểm xã hội một lần mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.

Qua nghe Báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa cần thiết phải sửa ngay quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến luật làm chưa tốt, cho nên khi đụng chạm đến lợi ích trước mắt thì người lao động có phản ứng, mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa áp dụng. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan chuyên môn (bảo hiểm, lao động), hệ thống cấp ủy, chính quyền các cấp và đại diện công nhân là tổ chức công đoàn tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm cuộc sống khi về già để hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tháng 10, khi Quốc hội họp kỳ cuối năm, nếu không tuyên truyền, vận động được thì Quốc hội sẽ điều chỉnh cho linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sắp tới, Chính phủ và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phải báo cáo trước Quốc hội vấn đề này.

Chia sẻ bài viết