26/07/2023 - 08:23

Thành phố quyết tâm đồng hành, trợ lực doanh nghiệp vượt qua khó khăn 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tại buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều kiến nghị của DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cần sự trợ lực của chính quyền thành phố…

Doanh ngHiệp cần trợ lực

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Dược ADC (thuộc Công ty TNHH ADC).

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Dược ADC (thuộc Công ty TNHH ADC).

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA), cho biết, trước buổi tọa đàm, CPA phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương thành phố tổ chức đoàn đến làm việc với các DN và ghi nhận ý kiến, kiến nghị. Theo đó, DN kiến nghị chính quyền thành phố nên có giải pháp để các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước, tức là tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Cụ thể, lãi suất cho vay của NHTM đối với doanh nghiệp, cho vay ngắn hạn những ngành nghề ưu tiên như xuất khẩu gạo là 4%/năm nhưng hiện tại một số ngân hàng áp dụng 8-9%/năm.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên cho biết thêm, DN cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố có ý kiến với Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 10%; tăng mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên 20 triệu đồng. DN cũng cho biết gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính như việc gộp thửa để hoàn thành thủ tục hoàn công xây dựng nhà máy; ngành Điện lực nên sắp xếp thực hiện việc cải tạo hệ thống đường dây vào những ngày cuối tuần nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất. Nhiều DN mong các sở, ngành nên có số điện thoại đường dây nóng (hotline) để ghi nhận và xử lý nhanh nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp.

Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Liên hiệp Kim Xuân (chuyên các mặt hàng đinh công nghiệp), cho biết, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh số bán hàng của DN. Hiện nay, các DN trong ngành phải chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ DN tại các nước trên thế giới. Do vậy, để có được hợp đồng, DN bắt buộc phải giảm giá. Trong giai đoạn này, DN phải giảm chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh để đạt được đơn hàng, duy trì hoạt động nhà máy, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do vậy, ông Phan Ngọc Tuấn đề xuất được hỗ trợ về lãi suất ngân hàng, tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi hơn. Cùng đó, cần được thành phố hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ đóng bảo hiểm xã hội; giảm tần suất thanh, kiểm tra DN.

Bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee (sản phẩm Cần Thơ Dược Trà), cho biết, hiện nay rất nhiều DN gặp khó khăn, đặc biệt với những DN nhỏ, các DN khởi nghiệp. DN rất cần sự hỗ trợ về vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết nối các nguồn quỹ hỗ trợ từ nước ngoài, cơ sở vật chất trang thiết bị…

Đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, tình hình kinh tế thế giới, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen với nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; hệ lụy từ dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra sức ép cho mọi mặt đời sống xã hội, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, biến đổi khí hậu, thiên tai… làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống người dân. UBND thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HĐND thành phố. Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt áp lực lạm phát, biến động của giá nguyên vật liệu, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu bất thường, trái quy luật... lãnh đạo thành phố mong được lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng DN để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các DN phục hồi và vượt qua khó khăn.

Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho rằng, khó khăn chung của DN hiện nay là việc tiếp cận thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm; việc tiếp cận vốn vay do các điều kiện tín dụng của DN không đáp ứng được như giá trị tài sản đảm bảo thế chấp giảm, tài sản đảm bảo không còn, các biện pháp để đảm bảo thanh toán nợ vay chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi vay trung, dài hạn còn khá cao so với tỷ suất lợi nhuận hiện có của DN… Cùng đó, chi phí xăng dầu, chi phí điện nước, bảo hiểm xã hội, y tế tăng (do lương cơ sở tăng)... cũng là áp lực lớn cho các DN. Trước những khó khăn hiện nay, CBA luôn cố gắng hỗ trợ hội viên trong hoạt động kinh doanh thông qua các hoạt động như chương trình cà phê doanh nhân; cầu nối giữa DN và chính quyền địa phương; kết nối DN với các tổ chức xã hội; cung cấp thông tin cho hội viên về văn bản pháp luật, thông tin kinh tế, kiến thức kinh doanh...

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy, cảm ơn cộng đồng DN đã nỗ lực đồng hành cùng thành phố, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay. Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, thời gian tới cần hỗ trợ tăng cường từ quy mô hoạt động, số lượng DN đến lĩnh vực hoạt động của DN, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng… Để hỗ trợ tích cực hơn cho DN, UBND thành phố cần thiết lập các kênh thông tin để trao đổi trực tiếp, trực diện, tiếp xúc lắng nghe những vấn đề khó khăn của DN. Lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN một cách nhanh nhất do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng. Đồng thời, tăng cường chủ động cung cấp thông tin về định hướng phát triển của thành phố để DN sớm có kế hoạch định hướng trong sản xuất, kinh doanh…

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30-8-2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Hiện nay, TP Cần Thơ như "đại công trường" đang triển khai rất nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia và thành phố, đặc biệt là các dự án đường cao tốc đi qua TP Cần Thơ. Trong đó, trục đường Vành đai phía Tây đang được thi công được ví như trục đại lộ Đông - Tây để phát triển cho TP Cần Thơ, mở ra không gian phát triển mới trong phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, công nghiệp… Thành phố cũng đang mở rộng hệ thống cảng, mở thêm không gian cho công tác xúc tiến - đầu tư và là cơ hội lớn để DN mở rộng đầu tư và phát triển tại TP Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết