* Gia Bảo
BÀI 1: Sức bật của một đô thị vùng
Sau 5 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, 4 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 45), TP Cần Thơ đã và đang khẳng định vai trò, vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với việc hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khá toàn diện giữa TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL đã và đang mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để “trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực tăng trưởng, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”, Cần Thơ đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp tập trung thật mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực...
Những tín hiệu mới
 |
TP Cần Thơ - từ trên cao. Ảnh: THU HÀ |
Căn cứ vào NQ 45 của Bộ Chính trị (ngày 17-2-2005), về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ CNH, HĐH, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch 10- KH/TU và chỉ đạo các sở, ngành xây dựng 10 chương trình, 4 đề án phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng đến năm 2010 và định hướng 2020. Trong 5 năm qua, thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, bình quân trên 15,6%/năm. Trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 5,5%/năm, công nghiệp- xây dựng 20,3%/năm, thương mại - dịch vụ tăng trên 16,3%/năm. Cuối năm 2008, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 1.444 USD (năm 2004 đạt 662 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, khu vực nông nghiệp- thủy sản chiếm trên 16,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 38,3%, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm hơn 44,8% trong cơ cấu kinh tế thành phố. TP Cần Thơ hiện đứng thứ 15 về giá trị sản xuất công nghiệp và tốp 10 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 năm qua (2004- 2008), tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp gần 23%/năm. Ngoài ra, các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển đáng kể, khối lượng hàng hóa lưu thông tăng cao, tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng gần 24%/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 28,5%/năm. Hiện tại, công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế thành phố và là tiền đề quan trọng để Cần Thơ nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm công nghiệp, thương mại- dịch vụ của vùng. Nhằm hướng đến nền công nghiệp công nghệ tiên tiến, hạn chế ô nhiễm môi trường, thành phố đã ban hành Kế hoạch 30 về sản xuất sạch hơn trong cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (giai đoạn 2007- 2010). Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong buổi làm việc với lãnh đạo Cần Thơ vào cuối tháng 3 vừa qua: “TP Cần Thơ có điều kiện phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ so với các địa phương trong vùng, như: công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, phụ trợ... Do đó, cần quan tâm công tác qui hoạch, định hướng thu hút những dự án công nghệ tiên tiến phục vụ mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp vùng”.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, với lợi thế có các viện, trường đóng trên địa bàn, TP Cần Thơ đang “thừa hưởng” những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học để xây dựng và ứng dụng nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đồng thời từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Cuối năm 2008, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 62,3 triệu đồng và giá trị tăng thêm gần 42 triệu đồng/ha. Tỷ trọng giá trị thủy sản tăng từ 15,9% (năm 2003) lên gần 33% trong năm 2008. UBND thành phố đã phê duyệt “Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC thành phố đến năm 2010, tầm nhìn 2020”, dù ngành nông nghiệp còn lúng túng trong triển khai, nhưng đã mở ra cho thành phố hướng đi mới trong phát triển. Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Ngành nông nghiệp đã chọn sản xuất giống lúa và thủy sản là khâu đột phá trong phát triển NNCNC và đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các khu NNCNC trên địa bàn. Trước mắt, phối với Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ để lai tạo 2 giống lúa đặc trưng cho thành phố, kiến thiết lại Trung tâm giống để phục vụ công tác nghiên cứu, nhân giống...”. NNCNC được xem “mũi” đột phá của thành phố để tạo ra sự khác biệt với các địa phương trong vùng.
Nỗ lực thu hút đầu tư
Nhằm phát huy lợi thế và khai thác tiềm năng vùng, TP Cần Thơ đã ký hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội với TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2006- 2010 và các tỉnh vùng ĐBSCL. Thành phố hiện có 21 dự án của 17 doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đang đầu tư tại Cần Thơ trên lĩnh vực thương mại- du lịch- dịch vụ, kinh doanh bất động sản, khu dân cư, khu đô thị, với tổng vốn ban đầu trên 18.900 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 27 dự án sản xuất công nghiệp của DN TP Hồ Chí Minh đang hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tổng vốn trên 113,6 triệu USD. Các sở, ngành thành phố cũng chủ động ký kết hợp tác trên lĩnh vực phụ trách, như tháng 12- 2008, Sở Công thương Cần Thơ đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển với các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2008- 2010. Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Hợp tác nhằm đẩy mạnh việc trao đổi hàng hóa và khai thác thế mạnh của vùng. Đây cũng là giải pháp giúp DN xuất khẩu tháo gỡ khó khăn khi thị trường xuất khẩu sụt giảm. Sở Công Thương sẽ là cầu nối kết nối các DN Cần Thơ với DN trong vùng”. Qua ký kết hợp tác, hiện một số DN của Cần Thơ đã có sản phẩm trao đổi với các địa phương như: Công ty CP May Meko, Gentraco...
 |
May công nghiệp xuất khẩu ở TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA |
Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, thành phố hiện có 7.730 DN đang hoạt động, đây là lực lượng đóng góp trên 40% GDP. Trong đó, DN dân doanh giữ vai trò chủ lực trong sản xuất công nghiệp của thành phố, chiếm trên 60%. Ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam- một DN đến từ TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Qua tìm hiểu và khảo sát, chúng tôi quyết định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại KCN Trà Nóc II của Cần Thơ. Nơi đây có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động của nhà máy. Sau 2 năm hoạt động, phần nào đạt kết quả mỹ mãn, công ty đã mở thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để khép kín từ khâu chế biến phụ phẩm của nhà máy chế biến thủy sản. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư kho lạnh có sức chứa 16.000 tấn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khan hiếm kho lạnh ở ĐBSCL”. Theo ông Quang, TP Cần Thơ có lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng, với hệ thống sân bay, cảng là điều kiện quan trọng để DN quyết định đầu tư.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố ngày càng được nâng chất và chú trọng hơn. “Năm 2009, thành phố chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến đầu tư, như công bố thông tin xúc tiến cho một số địa phương trong vùng và mời họ tham gia. Bởi không riêng gì mời gọi cho Cần Thơ mà cho cả vùng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp 5 đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về khu nghỉ dưỡng cao cấp”- ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - thương mại - du lịch Cần Thơ cho biết. Theo ông Đảnh, năm 2007, thành phố tổ chức các đoàn công tác ra nước ngoài, mời gọi DN Mỹ, Đài Loan... và đã ký được biên bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với thành phố Sán Đầu (Trung Quốc). Năm 2008, dù chỉ tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước, nhưng thành phố đã ký được 11 biên bản ghi nhớ với các DN, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước tại hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 11- 2008, đồng thời ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng ban, sự chỉ đạo sâu sát này sẽ giúp thành phố cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả.
Năm 2009, TP Cần Thơ xác định: “Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện tốt an sinh xã hội; đạt tiêu chí đô thị loại I”. Theo Sở kế hoạch- Đầu tư, trong số 44 dự án xây dựng khu dân cư đô thị và 44 dự án xây dựng khu dân cư phục vụ tái định cư, tổng vốn đầu tư khoảng 13.500 tỉ đồng, đến nay đã có 38 dự án triển khai san lấp mặt bằng (chiếm trên 43% tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn. Đến nay, đã giải ngân khoảng 3.850 tỉ đồng, tăng hơn 3 lần so với thời điểm triển khai thực hiện (năm 2004). Ngoài ra, còn 37 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hoạt động kinh tế- xã hội, dịch vụ, thương mại- du lịch đang trong quá trình lập dự án và nếu công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi sẽ có 8- 10 dự án được khởi công ngay năm 2009. Bên cạnh đó, việc mở rộng, san lấp mặt bằng các KCN cũng được khẩn trương. KCN Trà Nóc II đang mở rộng thêm 30 ha, KCN Hưng Phú I và II, nhà đầu tư hạ tầng đang giải phóng mặt bằng... Hiện 4 KCN tập trung có 184 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 1.495 triệu USD, thu hút 32.898 lao động làm việc và tỷ lệ lắp đầy KCN hiện trên 60%. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ sung 3 KCN gồm: KCN Thốt Nốt, KCN nặng Ô Môn, Khu công nghệ cao Bắc Ô Môn vào định hướng phát triển KCN cả nước với khoảng 1.600 ha. Đây là tiền đề quan trọng để TP Cần Thơ phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Bài 2: Những thách thức phải vượt qua