01/06/2021 - 10:30

Thăng trầm làng nghề tranh kiếng Chợ Mới 

Từng là một trong những làng nghề nổi tiếng bậc nhất huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nhưng hiện nay nghề làm tranh kiếng chỉ còn lại vài chục hộ gắn bó. Ðể trụ vững với nghề, các cơ sở sản xuất - kinh doanh đã không ngừng đổi mới mẫu mã, chất liệu làm tranh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề làm tranh kiếng huyện Chợ Mới vẫn duy trì cho đến ngày nay. Trong ảnh: 
sản phẩm tranh kiếng tại một cơ sở ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới.

Làng nghề nức tiếng

Nghề làm tranh kiếng được hình thành và phát triển ở huyện cù lao Chợ Mới từ cách đây trên dưới 100 năm. Nghề này trước đây thu hút đông đảo lao động tham gia. Ðặc biệt vào những năm 1995-2000, làng nghề phát triển hưng thịnh, hầu như mỗi nhà đều làm. Ông Huỳnh Minh Quang, Chủ cơ sở tranh kiếng Giáo Quang (một trong những cơ sở sản xuất tranh kiếng lâu đời ở xã Long Giang) cho biết, sản phẩm tranh kiếng rất phong phú và đa dạng với nhiều thể loại như: tranh thờ, tranh trang trí... Từng có thời điểm, sản phẩm làm ra không đủ bán cho khách hàng.

Cũng theo ông Quang, 1 bộ tranh thờ có 4 khung: 1 khung hoành phi, 1 khung lớn ở giữa, 2 khung liễn đối ở 2 bên. Loại tranh treo ở bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, thường thể hiện các đề tài như: Bức tranh hoành phi, liễn đối, tranh viết chữ “Phước - Lộc - Thọ” trên nền đỏ, tranh phật, bồ tát, các vị tiên... Ðối với tranh trang trí, nội dung thường là các điển tích dân gian như: truyện Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị Thập Tứ Hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Nàng Út Ống Tre… “Ngày trước, dọc theo các ấp Long Thuận, Long Tân của xã Long Ðiền B lúc nào cũng tất bật bóng thợ tách, thợ sơn tranh. Dưới kênh, ghe xuồng nườm nượp cập bãi chờ chở tranh đi bán. Sản phẩm tranh kiếng được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Không những tiêu thụ ở địa phương, tranh kiếng còn có mặt ở hầu hết các tỉnh ÐBSCL, thậm chí còn được tiêu thụ ở các tỉnh miền Ðông và miền Trung” - ông Quang chia sẻ.

Càng ngày, đời sống vật chất và tinh thần người dân nâng cao, thị trường dần xuất hiện các loại tranh trang trí, tranh thờ với nội dung, họa tiết sinh động, chất liệu vượt trội... Do đó, sức tiêu thụ tranh kiếng ngày càng giảm mạnh, nghề làm tranh kiếng cũng “chững” lại. Theo ông Quang, hiện nay, nghề làm tranh kiếng không còn hưng thịnh như trước. Huyện Chợ Mới chỉ còn khoảng hơn 30 hộ sản xuất tranh kiếng, tập trung ở các xã: Long Giang, Long Ðiền B, Long Kiến. Các cơ sở này tồn tại và phát triển nhờ lượng khách hàng ổn định.

Đổi mới để tồn tại

Ðể bắt kịp xu thế, các cơ sở đã không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, chất liệu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những thay đổi đã góp phần vực dậy sản phẩm truyền thống này. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Chủ cơ sở Thanh Hòa có hơn 30 năm làm nghề sản xuất tranh kiến tại xã Long Ðiền B cho biết, những năm gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng tranh kiếng ngày càng nhiều. Ðây là tín hiệu đáng mừng cho nghề làm tranh kiếng truyền thống của địa phương.

Tranh kiếng chia thành 2 loại: tranh kéo lụa và tranh vẽ tay. Quy trình chế tác một bức tranh đòi hỏi người thợ phải tỉ mẫn qua nhiều công đoạn: Cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Ðiểm đặc biệt của tranh kiếng là người thợ phải vẽ từ phía sau mặt kiếng. Khi vẽ xong tấm kiếng được lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Vì thế các chi tiết đáng lẽ vẽ sau cùng, thì ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Chính điểm này mà nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi ở người thợ vẽ không chỉ có niềm đam mê hội họa, óc sáng tạo mà còn cần tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và khéo léo. Ðối với các loại tranh kéo lụa thường có khuôn mẫu sẵn nên sản phẩm làm ra được với số lượng nhiều; mẫu mã, chất lượng đồng đều. Giá tranh kéo lụa thường thấp hơn so với phương pháp vẽ tay truyền thống.

Nội dung của tranh kiếng cũng dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn. Các loại tranh trang trí thường thể hiện phong cảnh quê hương, đất nước như: tranh về núi Cấm, núi Két, Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam...; tranh bộ chữ “Phước - Lộc - Thọ” theo phong cách mới thể hiện sự tươi mới... Các cơ sở sản xuất tranh kiếng còn tìm kiếm, lựa chọn những nguyên liệu chất lượng để cho ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, bền theo thời gian. Cùng với khung tranh làm bằng gỗ, cơ sở còn phát triển thêm loại khung làm bằng nhôm, với các ưu điểm như: bền, chắc, giá thành rẻ, thời gian sử dụng lâu hơn. “Hiện nay, cơ sở phát triển thêm dòng tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Loại tranh này đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, khéo tay nên giá khá cao so với các sản phẩm cùng loại. Mặc dù giá tương đối cao nhưng khách hàng rất ưa chuộng” - ông Hòa thông tin.

Trước đây, tranh kiếng tiêu thụ chủ yếu dịp cận Tết Nguyên đán. Giờ đây, tranh kiếng có thể bán quanh năm. Ðặc biệt, khách hàng có thể sử dụng tranh cũ để đổi lấy tranh mới. Hiện nay, giá bán mỗi loại tranh kiếng dao động từ chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, đặc biệt các loại tranh cẩn xà cừ có giá đến 1 triệu đồng.

Nghề thủ công truyền thống này cần lắm sự giúp sức của các ngành, các cấp hỗ trợ về vốn, trang thiết bị để có thể tạo ra những sản phẩm ngày càng chất lượng hơn. Các cơ sở cũng cần có sự cải tiến, đổi mới mẫu mã... để góp phần giữ gìn nghề truyền thống độc đáo của địa phương.

Bài, ảnh: PHI ÐIỆP

Chia sẻ bài viết