21/12/2018 - 20:46

Tham vọng quân sự núp bóng “Vành đai, con đường” 

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu năm nay tuyên bố ngừng cung cấp hàng tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Pakistan, một giả thuyết cho rằng động thái này sẽ khiến quân đội Pakistan lo sợ mà hợp tác tốt hơn với các đồng minh của Mỹ. Song thực tế là Islamabad đã có nhà tài trợ thay thế.

Máy bay chiến đấu JF-17 của Trung Quốc được lắp ráp tại Pakistan. Ảnh: NYT

Chỉ 2 tuần sau tuyên bố của Tổng thống Trump, không quân Pakistan và giới chức Trung Quốc đã có các cuộc thảo luận cuối cùng về kế hoạch mở rộng kho máy bay, vũ khí và các thiết bị khác của Trung Quốc tại quốc gia Nam Á. Theo bản kế hoạch không được tiết lộ, một đặc khu kinh tế thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) sẽ được xây dựng tại Pakistan để sản xuất thế hệ máy bay chiến đấu mới. Và lần đầu tiên, các hệ thống định vị, radar cũng như vũ khí trên tàu sẽ được hai nước sản xuất tại các nhà máy ở Pakistan. Với kế hoạch này, Trung Quốc và Pakistan sẽ tăng cường hợp tác  sản xuất máy bay chiến đấu JF-17, hiện được lắp ráp tại Khu liên hợp hàng không Kamra do quân đội Pakistan điều hành ở tỉnh Punjab. Thời báo New York tiết lộ, kế hoạch bí mật này cũng sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan trong không gian, lĩnh vực mà Lầu Năm Góc tin rằng Bắc Kinh đang nỗ lực quân sự hóa sau hàng thập niên theo đuổi.

Tất cả những dự án quân sự trên nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, con đường - BRI” – chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD của Trung Quốc tại khoảng 70 quốc gia trên thế giới. Lâu nay, giới chức Trung Quốc luôn nói rằng BRI hoàn toàn là một dự án về kinh tế với mục đích hòa bình. Song, với kế hoạch ở Pakistan, Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng BRI nhằm phục vụ cho tham vọng quân sự của mình. Kể từ khi BRI bắt đầu được triển khai vào năm 2013, Pakistan đã trở thành “điểm nhắm” hàng đầu của sáng kiến. Theo đó, Bắc Kinh đã ký với Islamabad thỏa thuận xây dựng CPEC trị giá lên tới 62 tỉ USD. Không những vậy, Trung Quốc liên tục cho Pakistan vay tiền giữa lúc Pakistan rơi vào khủng hoảng kinh tế, giúp 2 nước ngày càng gần nhau hơn trong khi quan hệ giữa Pakistan và Mỹ dần lạnh nhạt.

Một trong những dấu hiệu hợp tác rõ ràng giữa hai nước là dự án xây cảng biển và một đặc khu kinh tế lớn dành cho các công ty Trung Quốc tại thị trấn Gwadar hồi năm 2015 với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD. Dự án này giúp Trung Quốc rút ngắn quãng đường vận tải hàng hóa tới Biển A-rập cũng như tránh vùng lãnh hải của một số đồng minh của Mỹ ở châu Á, đồng thời được xem là “quân bài chiến lược” mà Bắc Kinh dùng để đối phó Ấn Độ và Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang. Các nhà phân tích quân sự dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng Gwadar để tăng cường sự hiện diện hải quân sau khi nước này hồi năm 2015 đồng ý bán 8 tàu ngầm cho Pakistan trong một thỏa luận trị giá  6 tỉ USD. Họ lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng số thiết bị bán cho Islamabad để tiếp nhiên liệu cho tàu ngầm Trung Quốc nhằm giúp mở rộng sức mạnh hải quân ra toàn cầu.

 Pakistan cũng là quốc gia duy nhất được quyền truy cập vào dịch vụ quân sự của  hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc, cho phép quân đội nước này đưa ra các chỉ dẫn chính xác hơn đối với tên lửa, tàu và máy bay. Giống như GPS của Mỹ, Bắc Đẩu có cả chức năng dân sự lẫn quân sự.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết