* Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010
Ngày 21-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 8 xem xét, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; thẩm tra hai dự án Luật: Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét cho ý kiến vào Quy hoạch phát triển ngành điện trong những năm tới. Dự kiến những nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Thứ trưởng Nguyễn Đức Hòa trình bày cho biết, thời gian qua kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, đặc biệt là gói kích thích kinh tế, nên đã ngăn chặn được suy giảm, từng bước phục hồi kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong số 25 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra trong năm 2009 dự kiến sẽ có 18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế năm 2009 dự kiến từ 5% đến 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh mà Quốc hội đã thông qua, trong đó các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng từ 2,6 đến 6,6%. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 có thể tăng khoảng 7%. Việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và giữ vững ổn định chính xã hội. Đến cuối năm 2009, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11%... Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế tác động đến chất lượng tăng trưởng như ngành công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua, trong hoạt động du lịch khách quốc tế sụt giảm, xuất khẩu giảm nhiều so với năm 2008, nguy cơ lạm phát tiền tệ vẫn tiềm ẩn, tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động không đạt chỉ tiêu đề ra...
Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Năm 2010 cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và là năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009 (tăng trưởng GDP khoảng 6,5%), tạo tiền đề tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội... phấn đấu ở mức cao nhất hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010.
Các đại biểu đã tập trung đánh giá về chính sách điều hành của Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng trong năm 2009.
Nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư mà Chính phủ đang thực hiện, đặc biệt là kế hoạch giảm 1/3 thủ tục hành chính trong năm 2010. Tuy nhiên, không chỉ giảm thủ tục mà phải tăng chất lượng phục vụ và đẩy mạnh cơ chế một cửa, đặc biệt là tại các địa phương. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện vốn ODA trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an sinh xã hội; kế hoạch xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp; hỗ trợ cho lao động đi lao động ở nước ngoài...
Phiên họp toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc đến ngày 23-9.
* Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc của Quốc hội diễn ra từ ngày 21 đến ngày 26-9 tại Hà Nội.
Tại phiên họp này, Hội đồng Dân tộc thảo luận, thông qua kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010; thông qua hoạt động từ sau kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 6 và dự kiến chương trình hoạt động từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ thứ 7 của Hội đồng Dân tộc; xem xét báo cáo của Ủy ban Dân tộc về kết quả đầu tư phát triển kinh tế- xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số năm 2009 và dự kiến kế hoạch năm 2010. Trong Phiên họp này, Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp thẩm tra và tham gia ý kiến vào 8 dự án Luật.
Ngày 21-9, Hội đồng Dân tộc thảo luận thông qua kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức giám sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, với mục đích đánh giá kết quả và hiệu quả đầu tư các mục tiêu, dự án của Chương trình trên địa bàn vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình gồm 9 dự án thành phần.
Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận xét: Chương trình đã được triển khai rộng khắp trên cả nước với những mục tiêu và nội dung cụ thể, phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết, có ảnh hưởng tích cực đến phát triển văn hóa của nhân dân, nhất là ở vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua Chương trình này, các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) được bảo tồn, khai thác; những truyền thống đoàn kết các dân tộc, truyền thống cách mạng, nét đẹp văn hóa qua hoạt động văn hóa- nghệ thuật, lễ hội được khẳng định; bản sắc văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc được lưu giữ, tôn vinh; nhiều cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa được xây dựng, hoạt động hiệu quả...
Dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam là một trong những dự án thuộc Chương trình. Triển khai dự án, 380 dự án sưu tầm, bảo tồn di sản với tổng kinh phí 32,52 tỉ đồng đã được thực hiện. Bước đầu tạo được những tư liệu quý cho Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể Việt Nam qua việc tạo ra 4 loại sản phẩm văn hóa (tài liệu văn tự, băng ghi âm, album ảnh, bằng ghi hình). Tuy nhiên, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, kinh phí, phương tiện kỹ thuật; phụ thuộc vào số lượng, chất lượng và sự tâm huyết, hiểu biết của cán bộ làm công tác văn hóa; phụ thuộc vào sự hợp tác và trí nhớ, khả năng mô tả, truyền lại của các nghệ nhân, già làng. Hiện tại, công tác này chủ yếu mới nhằm mục đích sưu tầm, lưu giữ, còn việc tổ chức nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, phục dựng các di sản đã mai một, biến dạng, phổ biến rộng rãi giá trị của di sản, quảng bá và giới thiệu ra nước ngoài ... vẫn còn nhiều hạn chế.
BÍCH THỦY - QUỲNH HOA (TTXVN)