13/05/2023 - 09:23

Thách thức trong phát triển kinh tế số 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Kinh tế số được xem là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới của Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, đến năm 2030, tỷ trọng này là 30%. Để đạt được mục tiêu này, chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) là một trong những giải pháp trọng tâm. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy kinh tế số, thu hút các DN FDI có tiềm lực đầu tư vào kinh tế số.

Số hóa một số quy trình sản xuất sẽ giúp ngành may mặc tiết giảm chi phí.

Chưa tận dụng hết các cơ hội

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP (quy mô đạt 23 tỉ USD), tăng 2,35% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 11,91% GDP). Đáng chú ý là số DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số tăng đáng kể, năm 2022 có 77.000 DN, trong khi con số này năm 2021 chỉ 16.000 DN. Theo dự báo, quy mô kinh tế số có thể đạt 49 tỉ USD vào năm 2025 nếu vẫn duy trì các mức tăng trưởng như hiện nay. Các DN đang thay đổi tích cực trong nhận thức về phát triển kinh tế số.

Theo báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố mới đây, trong số 1.000 DN (lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng, bán buôn và bán lẻ, giáo dục đào tạo, bất động sản…) có 55% DN đã tham gia chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu toàn cầu; 26,5% có dự định mở rộng thị trường ra nước ngoài trong 2 năm tới;  18,5% không tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy rằng, đa số DN đã ý thức về sự cần thiết phải chuyển đổi số, hoặc từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra… Cụ thể có 48,8% DN đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc DN áp dụng trong nhu cầu tức thời (trong bối cảnh dịch COVID-19) và hiện giờ không có nhu cầu sử dụng; khoảng 35,3% DN đã số hóa dữ liệu, quy trình từ “bản cứng” thành “bản mềm”; nhưng con số đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để tích hợp dữ liệu, tự động hóa nhằm đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh lại rất thấp (chỉ 2,2%). Chỉ có 20-30% DN có ứng dụng công nghệ số trong một số nghiệp vụ thường xuyên như khâu vận chuyển hàng hóa, kho hàng, bán hàng, nhân sự và kế toán nhưng thiếu kết nối đồng bộ. 

Về mức độ đầu tư cho chuyển đổi số, khảo sát cho thấy, chưa đến 40% DN có ngân sách đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp chuyển đổi số. Đáng lo ngại khi có tới 20% DN hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Đây cũng là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế số thời gian tới.

Trên thực tế, phát triển thương mại điện tử trong DN - trụ cột quan trọng của chuyển đổi số vẫn còn khiêm tốn. Theo Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD và chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong khi năm 2021 quy mô thương mại điện tử chỉ đạt 13,7 tỉ USD. Một số dự báo cho rằng, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, nhưng việc nắm bắt cơ hội và hóa giải các thách thức về phát triển số trong DN cần sự trợ lực rất lớn từ các cơ quan nhà nước, do nguồn lực của DN khó đảm đương.

Trợ lực cho DN 

Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN nhận được các hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình (đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp…); tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là các công ty điển hình trong chuyển đổi số; thiết lập mạng lưới quốc gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số. Chương trình đến nay đạt nhiều kết quả khả quan, mang lại niềm tin, động lực cho DN triển khai chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhưng để thúc đẩy mở rộng thì còn nhiều vấn đề cần hỗ trợ.

Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 cũng phản ánh rằng, các DN tự tin về kiến thức cho chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi toàn diện. Vì vậy, DN có nhu cầu được hỗ trợ ở hầu như tất cả giai đoạn chuyển đổi số. Cụ thể, 25% DN có nhu cầu hỗ trợ về các nền tảng, giải pháp công nghệ; 24,3% cần hỗ trợ lộ trình chuyển đổi số; 23,6% có nhu cầu hỗ trợ về chuẩn hóa các quy trình hoạt động DN; 22,2% cần hỗ trợ triển khai các hoạt động chuyển đổi số của DN…

Khảo sát về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN năm 2022 cũng thu kết quả khả quan, cho thấy các DN có mức độ sẵn sàng tương đối phát triển, nhất là khía cạnh Định hướng chiến lược đạt mức nâng cao (đạt 3,1 trên thang điểm 5: cơ bản, đang phát triển, phát triển, nâng cao, dẫn đầu). Bên cạnh đó, các DN cũng lo ngại rủi ro về an toàn thông tin, dữ liệu doanh nghiệp và khách hàng…, khi thực hiện chuyển đổi số, nên rất cần hành lang pháp lý hoàn thiện để giúp DN bảo mật thông tin.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để hướng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia. Và việc thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng động lực đổi mới sáng tạo của DN trong nước. Song trên thực tế tại Việt Nam, phát triển kinh tế số trong DN còn nhiều thách thức.

Mới đây, tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các DN FDI, báo cáo của ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, lĩnh vực kinh tế số quy định về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam đang gây khó khăn cho DN. Quy định bắt buộc các DN trong nước và cả DN có vốn đầu tư nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam (trong Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ) không dễ dàng triển khai, vì làm gia tăng chi phí và nguy cơ lộ, lọt dữ liệu khách hàng của các DN. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Các quy định về quản lý dữ liệu cá nhân trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân của Chính phủ mới ban hành cũng rất khó triển khai và sẽ gia tăng chi phí tuân thủ của DN.

Theo đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 66% DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính là rủi ro, trong khi tính chung khu vực ASEAN chỉ có 47%. JETRO khuyến khích hợp tác giữa DN Nhật Bản và Việt Nam, ví dụ Denso, Nagase và Gakken đặt mục tiêu thâm nhập thị trường B2C và B2B đang mở rộng của Việt Nam... Theo JETRO, Việt Nam nên bỏ các khoản phí không chính thức và thiết lập minh bạch giá cả, công bằng.

Còn theo đề xuất của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý toàn diện cho nền kinh tế kỹ thuật số. Bởi luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới và khả năng tiếp cận của người dùng Việt Nam với các  dịch vụ và bảo vệ dữ liệu tiêu chuẩn toàn cầu là rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế bền vững. Việt Nam cần ưu tiên phát triển hạ tầng số, dịch vụ trên nền điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu. Gỡ các rào cản về thủ tục cho việc nhập khẩu thiết bị kỹ thuật số để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.

Chia sẻ bài viết