27/02/2014 - 21:27

Thách thức đô thị hóa và công nghiệp hóa nhìn từ sự phát triển của TP Cần Thơ

Gia Bảo - Thu Hoài

Kỳ cuối: Ðể đô thị phát triển bền vững

Phát triển đô thị bền vững là khái niệm khá mới mẻ đối với Việt Nam. Lẽ đó, các chuyên gia khuyên cần chọn bài toán phát triển đô thị bền vững bằng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó tiếp tục hoàn chỉnh các thể chế, các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đột phá về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đô thị một cách bền vững.

Đổi mới tư duy phát triển

Là thành phố trẻ, được xác định là trung tâm động lực vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang nỗ lực để khẳng định vai trò trung tâm. Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi từ nhận thức phát triển. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: "Sở tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung để hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư vào thành phố. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhân rộng mô hình "một cửa liên thông" nhằm giảm tối đa chi phí về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đổi mới chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo chiều sâu. Đồng thời, tham mưu cho thành phố tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương. Theo quy hoạch Trung ương, nhiều công trình đầu tư cho vùng ĐBSCL sẽ được đặt tại Cần Thơ, đây là nguồn lực rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Tuy nhiên, theo ông Hồng, để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng của thành phố, nếu chỉ đơn thuần sử dụng nguồn vốn ngân sách thì thành phố sẽ khó đạt được mục tiêu cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 45. Do đó, thành phố sẽ tăng cường mời gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP, BTO… nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng và mục tiêu phát triển của các nhà đầu tư. Song song đó, triển khai nhanh, đồng bộ các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được duyệt. Trong đó, ưu tiên triển khai nhanh 87 công trình, dự án cần tập trung đầu tư đến năm 2020 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư cho thành phố giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, nghiên cứu ban hành bộ tiêu chuẩn về hoạt động đầu tư trên địa bàn thành phố, ưu tiên thu hút dự án đầu tư hàm lượng công nghệ cao, sạch. Mở rộng liên kết giữa TP Cần Thơ với các tỉnh, thành cả nước, đặc biệt là điểm nhấn 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra công trình nâng cấp, cải tạo QL91. Ảnh: THU HOÀI

Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, trong quá trình phát triển của thành phố, chắc chắn rằng việc xây dựng chính quyền đô thị là điều cần thiết để đảm bảo công tác quản lý thành phố sao cho có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thành phố cần có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn nhân lực đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong bộ máy đó. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nhưng Cần Thơ không nên vội vã vì cần có sự chuẩn bị đồng bộ về pháp lý và con người thì mới thành công được. Chính quyền đô thị sẽ giúp thành phố tận dụng các nguồn lực để phát triển nhanh hơn.

Các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát đô thị hóa- công nghiệp hóa luôn là thách thức lớn của các nước đang phát triển nhằm đạt đến mục tiêu phát triển bền vững. KTS Nguyễn Kỳ Nam, Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch TP Cần Thơ, cho biết: "Để công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đi vào nề nếp, có hiệu quả, có giá trị thực tiễn cao, đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống quản lý với những quy chế và thể chế luật lệ thích hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội mới ở địa phương". Theo KTS Nguyễn Kỳ Nam, phát triển đô thị bền vững cần đẩy mạnh vai trò công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch. Công tác quy hoạch phải được ưu tiên đi trước để định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị. Đồng thời quy hoạch không những phải đáp ứng yêu cầu về tạo dựng chất lượng không gian đô thị, mà còn phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn với thực tiễn và xu hướng phát triển chung của xã hội, thật sự trở thành nền tảng cho việc tạo dựng nguồn lực phát triển cho đô thị. Cần tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực của đô thị. Thông qua các giải pháp quy hoạch đô thị kết hợp với các chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đối với việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Việc xây dựng và duy trì chất lượng đô thị phụ thuộc một phần quan trọng trong ý thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nên cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ vấn đề này.

Thiết lập trật tự trong quản lý đô thị

Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28-8-2013 với mục tiêu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ là thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, đô thị trung tâm động lực ĐBSCL và đô thị cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… vùng ĐBSCL… Phát triển không gian thành phố theo hướng phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng vùng ĐBSCL, làm cơ sở để quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị về sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan, cơ sở hạ tầng (các chỉ tiêu quy hoạch phát triển về quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị). Tuy nhiên, xây dựng đô thị bền vững trong điều kiện kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay là bài toán khá nan giải. Để làm được điều này đòi hỏi phải huy động và tập hợp được sức mạnh của các tầng lớp trong xã hội; đồng thời phải có sự ủng hộ đầu tư từ Trung ương.

Dự án nâng cấp, cải tạo QL 91 là dự án giao thông quan trọng, nằm trong hợp phần phát triển hạ tầng ĐBSCL (Dự án WB5), đấu nối giữa TP Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang, An Giang và đi Campuchia, đang được thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, dự án này sẽ góp phần thúc đẩy TP Cần Thơ phát triển mạnh mẽ. Ảnh: S.N

Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg, Sở trong vai trò chủ đầu tư đã thực hiện lập 8 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, các đồ án quy hoạch (cây xanh, quản lý chất thải rắn, thoát nước, cấp nước) thành phố đến năm 2030 đang thực hiện với khối lượng công việc ước đạt hơn 80% và đang trong giai đoạn thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng và Quy hoạch đô thị thành phố. Các đồ án quy hoạch (cao độ nền và thoát nước mặt, nghĩa trang) đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt kế hoạch đấu thầu, sở tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo. Các đồ án quy hoạch (chiếu sáng đô thị, không gian xây dựng ngầm đô thị) đã được thành phố thuận chủ trương lập quy hoạch, Sở đang lập đề cương nhiệm vụ để trình phê duyệt… Tuy nhiên, Quy hoạch chung của thành phố đã được phê duyệt, còn các quy hoạch phân khu đang tiến hành làm. Theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch hướng dẫn số 20 của liên bộ Bộ Xây dựng- Bộ Nội vụ về quản lý đầu tư phát triển đô thị thì thành phố còn khá nhiều nội dung chưa thực hiện xong. Ông Nguyễn Tấn Dược cho biết: "Trong 5 nội dung thực hiện Nghị định 11, đến nay, Sở mới thực hiện xong 3 nội dung, đang gấp rút hoàn thành các nội dung còn lại để đề xuất này sẽ trình lên UBND thành phố làm cơ sở triển khai Nghị định 11. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp cùng các sở, ngành để tham ưu cho UBND thành phố để xử lý chuyển tiếp việc đầu tư các dự án phát triển đô thị của thành phố dựa trên cơ sở các quy hoạch kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt để tránh trình trạng gián đoạn đầu tư".

Nếu đô thị hóa chậm và bất cập sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị với kỳ vọng góp phần lập lại trật tự trong quản lý đầu tư và phát triển đô thị, tránh phát triển đô thị không có quy hoạch và kế hoạch như hiện nay. Nghị định xác định nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương và quốc gia, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan. Bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng; Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường. Với những quy định mới này, sẽ tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị, bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hòa với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư…

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết: "Việc xây dựng các dự án khu dân cư, khu tái định cư cần đảm bảo về chất lượng công trình. Thời gian tới, khi thực hiện dự án cần đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: đường sá, điện, nước, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí… Đây là điều kiện bắt buộc nhằm tạo vẻ mỹ quan đô thị, đảm bảo sử dụng lâu dài và bền vững". Và cần có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề đối với người dân vùng quy hoạch như đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, quận có nhiều thay đổi về diện mạo đô thị, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện Thốt Nốt tập trung đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị còn dở dang, các khu đã được phê duyệt để giải quyết tốt nhu cầu nhà ở cho người dân bị thu hồi đất làm dự án trên địa bàn quận.

Tại hội thảo liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh cuối tháng 11- 2013, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: "Công tác quản lý nhà nước về thực thi quy hoạch xây dựng còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý đô thị nhìn chung còn thiếu về số lượng và cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Đặc biệt, mô hình đô thị hóa- công nghiệp hóa- hiện đại hóa chưa có sự khác biệt giữa các đô thị trong vùng dẫn đến sự cạnh tranh giữa các đô thị, phần nào làm hạn chế sức hấp dẫn nguồn lực phát triển. Đô thị phát triển thiếu kế hoạch, chất lượng dự báo của quy hoạch còn hạn chế. Chính phủ đã ban hành Nghị định 11 xác định những nguyên tắc cơ bản trong phát triển đô thị. Theo đó, mỗi đô thị trong vùng ĐBSCL cần xác định rõ hướng phát triển trong mối tương quan tổng thể quy hoạch vùng tỉnh và toàn vùng. Từ đó, đề ra các chương trình phát triển đô thị, các khu vực phát triển đô thị để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo đồng bộ theo lộ trình". Cần Thơ được xác định là đô thị hạt nhân, trung tâm vùng ĐBSCL, song để thực sự là đô thị hạt nhân, Cần Thơ cần cơ chế đặc thù trong mời gọi đầu tư và cần nguồn lực đầu tư lớn hơn từ Trung ương.

Chia sẻ bài viết