26/02/2014 - 09:13

Thách thức đô thị hóa và công nghiệp hóa nhìn từ sự phát triển của TP Cần Thơ

Gia Bảo - Thu Hoài

Kỳ 3: Tốc độ công nghiệp hóa chưa đạt yêu cầu

TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Tuy nhiên, quỹ đất cho công nghiệp rất khiêm tốn, nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư, nhưng chậm triển khai, do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), thiếu quỹ đất tái định cư cho người dân. Mời gọi đầu tư, chọn lọc dự án công nghiệp sạch vẫn ì ạch, điều này ảnh hưởng lớn đến tiến trình công nghiệp hóa của thành phố.

Quy mô công nghiệp nhỏ

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các đô thị đóng vai trò rất quan trọng, kinh tế đô thị hiện đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, tăng trưởng khu vực đô thị cao gấp 1,5-2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Đối với TP Cần Thơ, trong 10 năm (2004-2013), tăng trưởng kinh tế bình quân 14,5%/năm. Trong đó, khu vực nông nghiệp- thủy sản tăng bình quân 2,86%, khu vực công nghiệp- xây dựng tăng bình quân 17,22% và khu vực dịch vụ tăng bình quân 17,54%. Cuối năm 2013, khu vực nông nghiệp- thủy sản chiếm 8,61%, khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm 38,69%, khu vực thương mại- dịch vụ chiếm 52,47% trong cơ cấu kinh tế.

Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng gấp 7,5 lần (đạt khoảng 87.000 tỉ đồng) so với năm 2004 nhưng quy mô ngành công nghiệp nhỏ, chưa tương xứng yêu cầu, phát triển sản phẩm công nghiệp mũi nhọn vẫn là bài toán khó; tỷ lệ lấp đầy KCN chưa đạt yêu cầu. Thành phố hiện có 5/8 KCN đang hoạt động, thu hút 209 dự án đầu tư (188 dự án đang hoạt động), thuê 564,9ha đất công nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,87 tỉ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN hiện chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố. Trong số 209 dự án có 186 dự án vốn đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 1,66 tỉ USD (vốn thực hiện đến cuối năm 2013 chiếm 40,58% trên tổng vốn đăng ký); dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 23 dự án, vốn đăng ký 203,53 triệu USD, vốn thực hiện chiếm 81,21% tổng vốn đăng ký. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp của 8 KCN đạt từ 11,1%- 100%, gồm: KCN Trà Nóc 1 lấp đầy 100% (135ha), KCN Trà Nóc 2 diện tích 157ha mới lấp đầy 86,58%; KCN Hưng Phú I (262ha) lấp đầy 11,1% diện tích, KCN Thốt Nốt giai đoạn I (150,5ha) lấp đầy 61,65% diện tích.

KCN là hạt nhân của tiến trình công nghiệp hóa, nhưng việc tạo ra quỹ đất sạch để phát triển công nghiệp của thành phố còn nhiều khó khăn (ảnh: KCN Trà Nóc). Ảnh: T. HÀ

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, nhìn nhận: "Tăng trưởng của ngành công nghiệp 10 năm qua khá nhanh, các KCN đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp vẫn thiên về bề rộng mà thiếu chiều sâu. Công nghiệp vẫn chủ lực là công nghiệp chế biến dựa vào nguồn nguyên liệu nông nghiệp (lúa, cá tra, tôm sú…). Thành phố đang thiếu ngành công nghiệp chiến lược, có sức lan tỏa vùng. Điều này do yếu tố khách quan mang lại. Thành phố có chiến lược thu hút đầu tư ngành dầu khí (nhà máy lọc dầu), năng lượng (nhà máy nhiệt điện), nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, ảnh hưởng đến nhà đầu tư nước ngoài và tác động trực tiếp đến khả năng triển khai dự án tại Cần Thơ của nhà đầu tư. Còn một số nhà đầu tư lớn trong nước trước đây đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào thành phố nhưng họ cũng khó khăn trong khủng hoảng kinh tế nên không thể triển khai dự án". Theo ông Hiệp, tác động của khủng hoảng kinh tế là một trong những nguyên nhân khách quan khiến thành phố khó phát triển ngành công nghiệp quy mô lớn, sức lan tỏa vùng.

Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư của thành phố còn thiếu trọng tâm, những dự án mời gọi không hấp dẫn nhà đầu tư. Mặt khác, hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy) chưa kết nối liên hoàn làm tăng chi phí vận chuyển của doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố chưa hấp dẫn doanh nghiệp cũng là lực cản trong tiến trình mời gọi đầu tư, lấp đầy đất công nghiệp. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (KCX&CN), cho biết: "Từ năm 2008 đến nay, tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm, thu hút đầu tư vào các KCN thời gian qua không đáng kể, thậm chí giậm chân tại chỗ. Quá trình phát triển và thu hút đầu tư của các KCN phụ thuộc rất lớn vào hệ thống giao thông thủy bộ. Hiện giao thông bộ của thành phố chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là các trục giao thông đấu nối vào các cảng; còn cảng thì chưa có luồng cho tàu lớn vào sông Hậu làm ảnh hưởng đến vận tải biển, vận tải hàng hóa của doanh nghiệp". Theo ông Hùng, xuất phát điểm thấp so với 4 thành phố lớn khác trên cả nước, trong khi đầu tư từ ngân sách Trung ương cho thành phố vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, cơ chế chính sách, giúp thành phố mời gọi đầu tư chưa hấp dẫn. Mặt khác, các DN đầu tư hạ tầng KCN không được ưu đãi đặc thù và được xem như doanh nghiệp bất động sản thì khó mà đầu tư hạ tầng KCN hoàn chỉnh. Bởi đầu tư hạ tầng KCN đòi hỏi vốn lớn, dài hạn do thu hồi vốn chậm, rủi ro lớn, DN cần vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư, nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn này từ ngân hàng.

Trong 8 KCN được quy hoạch của thành phố, thì KCN Hưng Phú, quận Cái Răng (gồm Hưng Phú I diện tích 262ha; Hưng Phú 2A diện tích 134,34ha; Hưng Phú 2B diện tích 67ha) được quy hoạch là KCN sạch, công nghệ cao. Đến nay, Hưng Phú I lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt 11,1%, Hưng Phú 2A lấp đầy 43,44%. Thời gian qua, KCN Hưng Phú tiến độ xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nhà đầu tư hạ tầng không đủ năng lực tài chính nên công tác bồi hoàn, GPMB tại KCN rất manh mún. Và cũng có ý kiến xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, đổi công năng KCN. Song, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý KCX&CN Cần Thơ khẳng định, đến nay, KCN này vẫn giữ quy hoạch là KCN sạch, chỉ thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, còn một vài DN đang hoạt động ở đây công nghệ chưa cao do đơn vị này hoạt động trước khi có quyết định thành lập KCN.

Thiếu chính sách "đòn bẩy"

Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, DN đến đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác. Song, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thiếu năng động cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đơn cử có nhiều cây cầu trên các tuyến quốc lộ 91, 91B tải trọng nhỏ, khiến nhiều doanh nghiệp (gạo, thủy sản, may mặc...) rất khó trong đóng container hàng hóa. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam- SOUTHVINA (KCN Trà Nóc 2), cho biết: "Giai đoạn đầu những năm 2000, dù điều kiện hạ tầng cơ sở của Cần Thơ còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của DN, sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự thuận lợi trong cơ chế chính sách của địa phương đã tạo điều kiện cho DN xây dựng nền tảng vững chắc khi đầu tư vào vùng nuôi cá tra nguyên liệu. Gần 8 năm kể từ khi SOUTHVINA chính thức đi vào hoạt động, chúng tôi đã có nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài ở Cần Thơ. Nhưng ngành cá tra đang gặp khó, DN cần sự hỗ trợ từ địa phương".

May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Meko. Ảnh: T. HÀ

Ông Trần Chí Gia, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko (KCN Trà Nóc), cho biết: "Năm 2007 đến đầu năm 2014, công ty đầu tư mở rộng nhà xưởng, nâng công suất hoạt động. Hiện có khoảng 3.000 công nhân đang làm việc tại công ty. Là DN gia công trong ngành may mặc, nhưng công nghiệp phụ trợ cho ngành chưa phát triển, DN nhập toàn bộ nguyên phụ liệu chính, nguyên liệu trong nước chỉ có chỉ, rập, thùng các-ton… nên ngành may mặc rất khó phát triển mạnh. Thêm vào đó, lực lượng lao động tại vùng đồng bằng này do điều kiện địa lý, kinh tế khá thuận lợi. Ra khỏi nhà máy, KCN là về đến nhà đã có cơm ăn, vườn, ruộng có sẵn nên họ không sợ thất nghiệp. Làm việc hơi khó là xin nghỉ, nên năng suất lao động cũng không cao như lao động ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Song, băn khoăn lớn của DN là hạ tầng cơ sở của thành phố chưa đồng bộ, nên tất cả sản phẩm may mặc phải đóng container xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh. Nếu Cần Thơ có luồng cho tàu lớn, hậu cần logistics tại cảng tốt, DN sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển được 25 cent/áo lông vũ xuất khẩu. Công ty gia công khoảng 2 triệu sản phẩm/năm". Trên thực tế công nghiệp phụ trợ ngành may mặc phát triển kém là do cầu không cao, vì đa phần DN làm hàng gia công.

Theo đánh giá của PGS. TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, quy mô nền kinh tế của thành phố vẫn chưa xứng với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL. Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, đòi hỏi thành phố phải đạt rất nhiều tiêu chí. Trong đó, 3 chỉ tiêu quan trọng cần phải đạt là: GDP, thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người (HDI). So với các thành phố lớn khác trong cả nước thì các chỉ số này của Cần Thơ hiện còn thấp. Phải phấn đầu nhiều hơn nữa thì mới hy vọng đạt được thành phố công nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chất lượng cuộc sống phải tốt hơn khi trở thành thành phố công nghiệp". Nhìn nhận về sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng: Thành phố đang thiếu sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý KCX&CN Cần Thơ, cho biết: "Công nghiệp Cần Thơ chủ lực vẫn là công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao chưa có. Một thực tế khác nữa là các địa phương đều đẩy mạnh mời gọi vốn đầu tư nước ngoài, nhưng thiếu chọn lọc. Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam xây dựng nhà máy, phân chia từng khâu sản xuất, họ tận dụng nhân công giá rẻ, nhiều ưu đãi về thuế và chúng ta không học được gì về công nghệ mà đôi khi còn tác dụng ngược lại, vì những DN nước ngoài này có thể "nuốt chửng" DN nội cùng ngành hàng. DN nội chủ yếu sở hữu thương hiệu thực phẩm, hàng tiêu dùng, còn những thương hiệu về công nghệ cao đa phần của DN FDI ". Trong 5 năm gần đây, được sự hỗ trợ từ Trung ương, thắng lợi lớn nhất trong thu hút đầu tư vào thành phố là dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đặt tại KCN Trà Nóc 2 vốn đầu tư 21,13 triệu USD (Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu USD) để phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp chính của Cần Thơ là chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, dự kiến từ tháng 1-2016, Việt Nam trực tiếp quản lý, vận hành và phát triển vườn ươm, không còn sự trợ giúp của phía Hàn Quốc. Khi dự án đi vào vận hành sẽ là lực đỡ cho các DN nâng cao công nghệ, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Song, vấn đề là DN sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào!.

Thành phố đã có chủ trương đưa những DN đang hoạt động trong nội ô, khu dân cư vào các KCN tập trung để dễ quản lý. Giao Sở Công thương, các sở ngành liên quan và Ban Quản lý KCX&CN Cần Thơ xây dựng cơ chế để hỗ trợ DN di dời vào KCN. Chủ trương của thành phố hoàn toàn đúng, bởi phát triển công nghiệp tràn lan, thiếu kiểm soát sẽ gây ra hệ lụy lớn về môi trường, đời sống dân sinh, khói bụi, ngập nghẹt đô thị, kẹt xe, tiếng ồn… Tuy nhiên, để vận động DN vào KCN phải có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Bởi, theo ý kiến của lãnh đạo một DN đang hoạt động ngoài KCN cho rằng, thành phố cần hỗ trợ cho DN chi phí di dời và hạ tầng KCN phải tốt hơn nơi cũ, để DN thuận lợi sản xuất, giao thương. Hỗ trợ DN cũng là giải pháp để giải quyết bài toán an sinh.

Kỳ tới: Giải bài toán an sinh

Chia sẻ bài viết