|
Thủ tướng Saad Hariri. Ảnh: AFP |
Hơn 5 tháng sau cuộc tổng tuyển cử, Liban mới thành lập được nội các đoàn kết dân tộc hôm 9-11. Sau nhiều cuộc mặc cả, liên minh thân phương Tây của Thủ tướng Saad Hariri và phe đối lập, do phong trào Hồi giáo Hezbollah (được Iran và Syrie hậu thuẫn) dẫn đầu, đã đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, mâu thuẫn sâu sắc giữa hai khối này vẫn còn và dường như khó có lối thoát.
Nội các mới gồm 30 thành viên đã được Tổng thống Michel Suleiman phê chuẩn. Theo đó, khối của ông Hariri được 15 ghế, phe đối lập 10 ghế và 5 ghế còn lại do Tổng thống Suleiman, một nhân vật trung lập, chỉ định. Việc phân bổ như vậy được cho là nhằm ngăn chặn liên minh của ông Hariri chiếm thế đa số trong nội các. Trong khi đó, phe đối lập không có đủ số phiếu cần thiết (11 phiếu) để có thể phủ quyết các quyết định của chính phủ.
Giới phân tích cho rằng sự phân chia thành phần nội các như vậy khiến các kế hoạch ít có cơ hội được thông qua. Điều đó sẽ khiến tình hình có thể càng thêm bế tắc, nhất là đối với các vấn đề quan trọng như cuộc điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri, cha của ông Saad Hariri (do Syrie bị nghi có liên quan tới vụ này nên Hezbollah không muốn điều tra).
Một vấn đề nhạy cảm khác là kho vũ khí của Hezbollah sẽ không được đề cập trong các phiên thảo luận nội các. Còn nhớ, khi phe của ông Hariri đòi tước các đặc quyền vũ trang của Hezbollah hồi tháng 5-2008, nhóm này và các đồng minh đã khởi động bạo lực, đánh chiếm phần lớn phía Tây Thủ đô Beirut, suýt chút nữa dẫn tới nội chiến.
Bên cạnh đó, bất chấp Hezbollah chỉ có 2 trong 10 ghế bộ trưởng của phe đối lập, nhưng một số nhà quan sát lo ngại rằng sẽ gây căng thẳng hơn với Israel. Một trong những lý do là khi Hezbollah tăng vị thế trên chính trường Liban thì nước này có thể trở nên gần gũi hơn với Iran. Vì vậy, nếu Hezbollah có động thái khiêu khích xung đột với Israel, Tel Aviv có thể sẽ đánh đồng rằng chính quyền Liban phải chịu trách nhiệm. Do đó, nguy cơ chiến tranh với Israel sẽ luôn rình rập Liban. Cần nhắc lại là hồi năm 2006, Israel đã mở cuộc tấn công kéo dài 34 ngày vào miền Nam Liban nhằm tiêu diệt Hezbollah.
Nguyên nhân tạo ra bước đột phá dẫn tới việc thỏa thuận thành lập nội các mới vẫn chưa được biết. Một số nhà phân tích cho rằng do mối quan hệ giữa Syrie và Arabie Séoudite, vốn tranh giành ảnh hưởng ở Liban, được cải thiện từ đầu năm nay, nên hai nước này nhất trí không can thiệp vào tiến trình bầu cử và hậu bầu cử ở Liban. Trong thực tế thời gian qua chính trường Liban luôn mất ổn định, do bị chi phối quá nhiều bởi các thế lực bên ngoài.
N. KIỆT (Theo WSJ, Reuters, BBC)