19/01/2011 - 08:31

Tết đến với nhà vườn quýt hồng Lai Vung

Đến huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện bán quýt cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Các thương lái thì hối hả đưa xe tải, ghe lớn đến hái quýt chở đi tiêu thụ khắp nơi...

Quýt hồng được người dân ở Lai Vung ví như “thiếu nữ 18 e ấp”, bởi đi dọc theo trục lộ chính không thấy “bóng hồng” đâu mà phải vào sâu bên trong mới được tận mắt nhìn thấy...

Dẫn chúng tôi đi xem vườn quýt trái chín hồng xum xuê trông mê mắt, anh Đặng Thành Lâm kể: “Tui có 4.000m2 đất trồng quýt hồng được 10 năm tuổi và vừa mở rộng thêm 4.000m2 quýt hồng 3 năm tuổi. Thành quả này là do các nhà vườn được tham dự lớp tập huấn Quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho cây ăn quả và đã áp dụng thành công các kỹ thuật chăm sóc đặc biệt cho quýt hồng. Nếu như trước đây quýt hồng cho năng suất bình quân 18-22 tấn/ha thì đến nay đã đạt 30-40 tấn/ha, trong đó có hơn 80% quýt cho trái to, tròn đều và màu sắc đẹp. Thêm vào đó, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh miền Trung cộng với hiệu ứng của cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, trái quýt hồng càng khẳng định vị thế của mình và bắt đầu tạo dựng được thương hiệu. Năm 2010, vào ngày thường, quýt hồng được thương lái thu mua ở mức 12.500 đồng/kg, mức giá mà những năm trước vào dịp Tết mới có. Sắp tới quýt hồng sẽ tiếp tục có giá...”.

Quýt hồng Lai Vung vừa hái xuống, chuẩn bị đem đi tiêu thụ. 

Theo nhiều nhà vườn, quýt hồng là loại cây ăn trái “đỏng đảnh”, “khó tính”, chăm sóc quýt cũng công phu như chăm sóc kiểng. Trồng 2 năm quýt hồng bắt đầu cho trái chiếng và năng suất tăng dần theo thời gian. Mỗi năm, quýt hồng chỉ cho trái 1 lần. Quýt sau khi đậu trái, nuôi trái cho đến khi thu hoạch phải mất 10 tháng. Để nâng cao giá trị đặc sản quýt hồng Lai Vung, nhiều nhà vườn dùng bí quyết riêng để thu hoạch sản phẩm đúng dịp Tết. Nếu được chăm sóc tốt, cây có thể đạt tuổi thọ trên 20 năm. Quýt hồng rất thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng của Lai Vung, tập trung ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước và một phần của xã Tân Thới, Vĩnh Thới. Loại đất sét pha mỡ gà nơi đây, giúp cây cho trái to và nhiều, màu hồng tươi, da nõn nà, bóng láng, múi mọng nước và có hương vị thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, trái có màu hồng đặc trưng và thường chín vào dịp Tết Nguyên đán nên giá bán cao hơn so với ngày thường.

Tiếp chuyện chúng tôi, trên gương mặt các nhà vườn đều lộ rõ sự phấn khởi. Quýt hồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều gia đình, góp phần tô điểm bộ mặt nông thôn Lai Vung ngày càng khởi sắc mà còn giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đến nay, nhiều chủ vườn đã đứng ra làm thương lái đem quýt hồng tiêu thụ ở các nơi.

Ông Nguyễn Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, nhận định: “Quýt hồng không chỉ là đặc sản mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Để trồng quýt, đòi hỏi người dân phải đầu tư lớn mới có được lợi nhuận cao, ngược lại, nếu đầu tư không tới nơi tới chốn thì không thể đạt hiệu quả. Để có thể đứng vững trên thị trường, trái cây phải có chất lượng cao, vị ngon, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc rõ ràng và giá cạnh tranh...”. Chính vì thế, Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - Trưởng ban điều hành GAP Sông Tiền cùng các chuyên gia dự án IPM trên cây có múi và các ban ngành tỉnh, huyện, xã đã thành lập tổ sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở ấp Long Hưng I, xã Long Hậu. Có 13 thành viên tham gia thực hiện trên tổng diện tích 4,57 ha với 3.760 cây quýt hồng được sản xuất theo quy trình chung: đảm bảo sức khỏe người sản xuất, giảm phun xịt; nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng; hạn chế ô nhiễm môi trường; truy nguyên nguồn gốc, quan hệ sản xuất. Địa phương đang đề nghị kinh phí xây dựng kho sơ chế sản phẩm quýt hồng sau thu hoạch và tìm người đứng ra làm chủ nhiệm Hợp tác xã để hoàn thành tiến độ xây dựng thương hiệu quýt hồng Lai Vung vào năm 2011.

Toàn huyện Lai Vung có 1.174 ha trồng quýt hồng. Trong đó, xã Long Hậu có 687 ha, chiếm tỷ lệ 58,5% so với tổng diện tích toàn huyện; và hiện có 439 ha quýt hồng đang cho trái, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường Tết trên 15.000 tấn. Theo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, đến cuối năm 2011 sẽ mở rộng diện tích trồng quýt hồng lên 1.430 ha.

Anh Lưu Văn Tín, Tổ trưởng Tổ Sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP khoe: “Hiện nay việc sản xuất trái cây ở đây được tổ chức khá bài bản, mỗi thành viên đều có sổ nhật ký về quy trình sản xuất, biện pháp kỹ thuật, vệ sinh vườn... Thông qua lớp tập huấn Quản lý dịch hại tổng hợp định hướng theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, IPM-GAP, các thành viên đã biết sử dụng phân sinh học thay phân hóa học, giảm lượng phân bón vô cơ, tăng hữu cơ, đối với dịch hại côn trùng phải điều tra trước khi sử dụng thuốc... Nhờ vậy, giảm được chi phí đầu vào, sản phẩm tiêu thụ ổn định, giá cao, điều quan trọng là an toàn cho cả người sản xuất (đạt hiệu quả kinh tế) và người tiêu dùng (an toàn vệ sinh thực phẩm)...”.

Vào những ngày Tết, trên mâm trái cây của nhiều gia đình không thể thiếu trái quýt. Trong dịp Xuân Tân Mão 2011, với việc trúng mùa- trúng giá, nhà vườn Lai Vung sẽ đón Tết sung túc hơn để tiếp tục chuẩn bị cho một mùa vụ mới đầy hứa hẹn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Chia sẻ bài viết