03/10/2021 - 06:33

Tất cả đều ở nơi dân
Bài 1: Dân hưởng lợi
 

TP Cần Thơ đã và đang vận dụng linh hoạt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với trách nhiệm công dân. Từ đó, nhân dân đồng thuận, tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Tuy nhiên, trong vận dụng phương châm này vẫn còn những vướng mắc đòi hỏi tiếp tục nỗ lực khắc phục.

Nghe tiếng xe chở lúa đến gần nhà, cô Liêu Thị Nguyệt (ngụ ấp Ðịnh Yên, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai) gọi con trai ra để hướng dẫn chất lúa vào sân nhà. Giọng cô hồ hởi: “Tuyến đường Ðịnh Yên - Trường Lạc này đã làm xong đoạn đầu vàm. Ðoạn đường ngang nhà tôi mới rải đá bụi, xe bốn bánh lưu thông thuận lợi, thương lái đưa xe tới tận nhà thu mua lúa, nông sản. Người dân rất mừng...”. Ðó là một trong nhiều thành quả mà người dân TP Cần Thơ đang thụ hưởng. Những thành quả đó xuất phát từ chính sách hợp lòng dân... 

Lúa thu hoạch xong được chở đến tận sân nhà cô Liêu Thị Nguyệt. Ảnh: S.H

Những công trình hợp lòng dân

Con đường Ðịnh Yên - Trường Lạc nói trên đang được nâng cấp với chiều dài 2.500m và mở rộng ra 4m. Khi đường mở rộng, hai bên đường nhiều hàng quán mọc lên, nhà cửa được sửa sang, xây dựng khang trang hơn; việc làm ăn, lưu thông hàng hóa thuận lợi, đời sống người dân cải thiện... Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Ðịnh Môn, phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng, từ đó, hầu hết các tuyến đường từ xã đến các ấp được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng, đời sống người dân thay đổi theo hướng tích cực.

Với sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt của thành phố, quận, huyện trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hầu hết những hẻm nhỏ ở thành thị hay các tuyến đường giao thông nông thôn đều được mở rộng, bê tông hóa; 154/189 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong hơn 6.000 tỉ đồng thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, người dân đóng góp hơn 270 tỉ đồng… Những chủ trương, chính sách thành phố đề ra từ tập trung phát triển giao thông, xây dựng cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe và văn hóa thể thao ở các xã, phường, thị trấn…, đều hướng đến mục tiêu: nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế

Giới thiệu những chậu lan hồ điệp tươi tốt, ông Trần Văn Liêm ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, cho biết: “Hội Nông dân hỗ trợ tôi vay vốn phát triển sản xuất, tạo điều kiện để tôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình, cách làm ăn hiệu quả ở địa phương khác. Từ đó, kinh tế gia đình tôi dần cải thiện...”. Trước đây, gia đình ông Liêm thuộc diện hộ nghèo, sống bằng nghề đan đát. Năm 2018, được hỗ trợ vay vốn, ông thuê 1 công đất trồng rẫy (cải xanh, ớt…) và trồng hoa để bán vào dịp Tết. Ông Liêm còn tận dụng khoảng sân nhỏ trước nhà để trồng và bán cây kiểng... Với tổng thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm, năm 2020 gia đình ông Liêm thoát nghèo.

Kể về quá trình giúp đỡ nhiều hộ như gia đình ông Liêm thoát nghèo, vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thốt Nốt, chia sẻ: “Phường chọn cách đối thoại với hộ nghèo để tìm ra nguyên nhân nghèo, phân loại và có phương án hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Hộ nghèo do thất bại trong làm ăn thì cán bộ đoàn thể đến động viên, hỗ trợ các thủ tục vay vốn và phối hợp đưa bà con đi tập huấn, tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả, biết quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả. Ðối với hộ cần học nghề thì tạo điều kiện để có nghề lập thân, lập nghiệp…”. Nhờ vậy, số hộ nghèo của phường Thốt Nốt giảm theo từng năm. Năm 2018, toàn phường có 66 hộ nghèo, đến nay, phường chỉ còn 19 hộ nghèo (trong đó có 8 hộ nghèo do già yếu, neo đơn).

Nhiều xã, phường khác cũng có những giải pháp, cách làm làm thiết thực để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Với sự nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, cuộc sống của nhiều hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện, nâng lên, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu: y tế, giáo dục, văn hóa… Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của thành phố giảm còn 0,3%.

Ở các quận huyện, ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng trong hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ðiển hình như sự phát triển, ăn nên làm ra của hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Ðiền), có sự sát cánh, hỗ trợ nhiều mặt của các cấp, các ngành, Hội Nông dân từ thành phố đến huyện, xã. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Trường Khương A, phấn khởi khoe bao bì sản phẩm in hình những trái vú sữa: “Ðây là những mẫu bao bì được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ làm để HTX tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Nhờ được sự hỗ trợ của xã và các ngành chuyên môn của huyện về kỹ thuật trồng cây, thực hiện VietGAP, GLOBALGAP, đến khâu liên hệ làm các thủ tục xuất khẩu mà giờ đây những trái vú sữa của HTX Trường Khương đã đến được với thị trường Mỹ... Từ khi tham gia HTX, đời sống các thành viên nâng cao hơn”. Từ 24,7ha vào năm 2017, đến nay, HTX đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng và vú sữa lên đến 45,5ha. Bà con rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, xe bốn bánh vô tới vườn thu mua trái cây.

Cán bộ mặt trận, đoàn thể xã Trường Long tham quan vườn sầu riêng của gia đình ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX cây ăn trái Trường Khương A. Ảnh: S.H

Cùng nhân dân vượt khó khăn

Từ tháng 7-2021, dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ấp, khu vực bị phong tỏa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, nhiều lao động không có việc làm, mất thu nhập, cuộc sống khó khăn… Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố phát động nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. UBND thành phố đã ban hành công văn gởi đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Cần Thơ và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đề nghị xem xét giảm lãi suất, giãn nợ, miễn giảm lãi vay và các giải pháp phù hợp khác để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố cũng đề nghị các đơn vị cung cấp điện, nước trên địa bàn hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, nước cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Một số quận, huyện phát động phong trào vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền trọ cho sinh viên, công nhân, người lao động… Chị Ngọc Lan có dãy nhà trọ 7 phòng, ở khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty của chị tạm đóng cửa, không có thu nhập, nhưng chị vẫn miễn tiền trọ, điện, nước cho người ở trọ từ tháng 7 đến nay.

Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, thành phố đã nhanh chóng phong tỏa, tổ chức giãn cách khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng; vận động các nguồn lực xã hội kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm bớt các khó khăn cho ngân sách, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Thành phố kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố thống nhất giao Ủy ban MTTQ thành phố làm đầu mối tiếp nhận các nguồn tài trợ phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời thành lập Ban chỉ đạo và các bộ phận chuyên môn tham gia phòng, chống dịch; cho chủ trương Công ty TNHH NN MTV XSKT Cần Thơ hỗ trợ người bán vé số dạo. Thành phố cũng kịp thời ban hành Nghị quyết 52/NQ-HÐND hỗ trợ 2 triệu đồng cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.  Ðến ngày 28-9, thành phố đã hỗ trợ 30.869 người, với kinh phí hơn 61,7 tỉ đồng... Những chủ trương, chính sách đó đã mang lại lợi ích thiết thực, tạo được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của người dân.

(Còn tiếp)

Bài 2: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Sơn Hà 

Chia sẻ bài viết