12/05/2008 - 23:52

Đồng chí Trần Hồng Mẫn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ:

Tập trung xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động thành phố đông về số lượng, mạnh về chất lượng

 

Hôm nay, ngày 13-5-2008, diễn ra Đại hội VIII Công đoàn thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2008-2013, với khẩu hiệu hành động: “Đổi mới, sáng tạo, vì quyền và lợi ích người lao động, vì sự phát triển bền vững của Thành phố và của đất nước”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hồng Mẫn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, về một số vấn đề được đặt ra tại Đại hội. Mở đầu cuộc trao đổi, đồng chí Trần Hồng Mẫn cho biết:

Nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn trong thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cấp công đoàn luôn quan tâm sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, như: tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, bản tin nội bộ, sổ tay sinh hoạt công đoàn, tổ chức các hội thi, hội thao... Nhờ đó, nhận thức của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngày càng được nâng cao. CNVCLĐ tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nỗ lực thi đua hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của đơn vị, địa phương.

Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện thông qua kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, chế độ chính sách đối với CNVCLĐ và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, quyền lợi của người lao động được đảm bảo. Các doanh nghiệp quan tâm hơn đến an toàn vệ sinh lao động: đầu tư thiết bị công nghệ mới, trồng cây xanh trong khuôn viên... nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo sức khỏe người lao động. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trung tâm Tư vấn pháp lý của Liên đoàn Lao động thành phố đã phát huy hiệu quả trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý cho người lao động. Từ đó, CNVCLĐ càng thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn.

Các phong trào thi đua do công đoàn phát động phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung, phù hợp với từng ngành nghề, đối tượng CNVCLĐ ở các đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, ở khu vực sản xuất kinh doanh có phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, có tích lũy, chăm lo đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho CNLĐ. Khu vực hành chính sự nghiệp có các phong trào: “Dạy tốt, học tốt”, “Nâng cao chất lượng điều trị và phục vụ, giảm phiền hà cho bệnh nhân”, “Cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong nhân dân”,... Các phong trào đã phát huy nội lực, khơi dậy ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của CNVCLĐ.

* Thưa đồng chí, bên cạnh những thành tựu trên, còn những vấn đề gì tồn tại chưa làm tốt, cần tập trung bàn bạc tại Đại hội lần này?

- Trong thực tế, phải thừa nhận rằng hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức học tập các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với CNLĐ ở khu vực ngoài nhà nước vẫn còn một số mặt hạn chế. Việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động chưa kịp thời. Các hoạt động văn hóa, thể thao chưa tập trung nhiều cho cơ sở...

Một vấn đề khác, thời gian qua, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và lao động sáng tạo chủ yếu tập trung ở những đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần... còn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì các phong trào chưa thiết thực, chưa phù hợp với điều kiện làm việc của người lao động. Việc bình xét thi đua khen thưởng ở một số đơn vị còn mang tính hình thức. Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn lúng túng trong xác định nội dung, hình thức hoạt động, nhất là việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa các vi phạm về quyền lợi của người lao động vẫn còn hạn chế; cán bộ công đoàn còn thiếu bản lĩnh trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ở những doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, đạt tỷ lệ thấp so với số đông lao động và doanh nghiệp đủ điều kiện. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công đoàn tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công nhân Công ty cổ phần Dược Hậu Giang sản xuất thuốc nhỏ mắt. Ảnh: ANH DŨNG 

Những hạn chế, bất cập trên là do một bộ phận cán bộ công đoàn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Một số cán bộ công đoàn còn bị động vào người sử dụng lao động, chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức công đoàn chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Trình độ, năng lực của cán bộ công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Bên cạnh đó là những nguyên nhân khách quan: Các chế độ, chính sách, pháp luật về lao động chưa được xây dựng đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế. Một số quy định của pháp luật công đoàn chưa được thực thi nghiêm chỉnh. Một số doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về tổ chức công đoàn, còn né tránh, chưa tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức công đoàn và các hoạt động công đoàn ở đơn vị. Bộ máy tổ chức cán bộ công đoàn ở cơ sở thiếu ổn định. Nhiều chế độ, chính sách cụ thể đối với CNVCLĐ, cán bộ công đoàn chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

* Vậy, những giải pháp nào sẽ được đưa ra thảo luận tại Đại hội này nhằm khắc phục những hạn chế trên?

- Xu thế toàn cầu hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nước ta, tạo ra những thời cơ, thuận lợi, cũng như những thách thức cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trên cơ sở dự báo tình hình có tác động trực tiếp đến CNVCLĐ và trên cơ sở tổng kết nhiệm kỳ VII, Đại hội lần này sẽ tập trung thảo luận, đúc kết những bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp tích cực khắc phục những mặt yếu kém, tồn tại của nhiệm kỳ qua. Đại hội VIII công đoàn TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2008-2013 xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tập trung nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức giai cấp và bản lĩnh chính trị cho CNVCLĐ. Tiếp tục tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong CNVCLĐ, gắn với nhiệm vụ xây dựng Đảng xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, tránh đình công, lãn công trái pháp luật. Tổ chức và vận động CNVCLĐ thực hiện các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sản xuất và công tác. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác công đoàn. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn các cấp, hướng mạnh hoạt động công đoàn về cơ sở. Tập trung công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các thành phần kinh tế, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho các cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp.

* Có ý kiến cho rằng, để hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất thiết cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm và có tầm. Đồng chí nghĩ sao về ý kiến này?

- Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công đoàn hiện nay có trình độ chính trị vững vàng, quan điểm lập trường, ý thức giai cấp rõ ràng; tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hầu hết cán bộ đã kinh qua thực tiễn, kết hợp với học tập lý luận, chính trị nâng cao trình độ, thời gian qua, anh chị em đã phấn đấu khắc phục khó khăn để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Công đoàn Cần Thơ trong 5 năm qua đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ công đoàn vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế nhất định. Số lượng cán bộ công đoàn được đào tạo nâng cao trình độ học vấn, nghiệp vụ, kỹ năng vẫn còn ít; đội ngũ cán bộ công đoàn bán chuyên trách hầu hết là kiêm nhiệm, vì thế việc nghiên cứu, đầu tư hoạt động công đoàn còn hạn chế; sinh hoạt công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn,...

Trong tình hình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu đặt ra đối với họat động công đoàn là phải có sự thay đổi kịp thời. Trước tiên là phải đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn đúng nghĩa là phải “có tâm và có tầm”. Tức là phải có tâm huyết với công việc và có tầm nhìn khái quát được công việc trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Đây là vấn đề mà Ban Thường vụ Liên đoàn khóa VII hết sức quan tâm. Trong thời gian tới, khi cầu Cần Thơ, sân bay Quốc tế Cần Thơ,... và nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác hoàn thành, thì các nhà đầu tư sẽ đến làm ăn với Cần Thơ nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp mới sẽ ra đời. Để tạo được vị thế cho tổ chức công đoàn thì cán bộ công đoàn phải được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp, kỹ năng hoạt động công đoàn. Dự thảo Văn kiện Đại hội VIII đã đề ra chỉ tiêu cho nhiệm kỳ tới 2008-2013 là 100% cán bộ công đoàn chuyên trách phải có trình độ đại học, nếu đồng chí nào không có bằng đại học sẽ không bố trí làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Cán bộ công đoàn phải thành thạo tin học và biết ngoại ngữ, có bản lĩnh chính trị và có trình độ quản lý nhà nước. Nếu đạt được yêu cầu trên thì tổ chức công đoàn sẽ vững mạnh thực sự, góp phần xây dựng đội ngũ CNVCLĐ của thành phố đông về số lượng, mạnh về chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

* Hiện nay, một trong những vấn đề mà CNVCLĐ đặc biệt quan tâm là vấn đề nhà ở để “an cư, lạc nghiệp”. Đại hội lần này, có đưa vấn đề nhà ở cho CNVCLĐ ra bàn bạc, giải quyết, thưa đồng chí?

-Vấn đề nhà ở cho CNVCLĐ, nhất là công nhân ở các khu chế xuất và công nghiệp tập trung, là nhu cầu bức xúc và kéo dài trong nhiều năm qua, ngày càng gay gắt. Đây cũng là mối quan tâm của các ngành, các cấp, của người lao động và của tổ chức công đoàn. Từ năm 2007, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án xây dựng 1.000 căn hộ cho công nhân lao động có thu nhập thấp trong Khu chế xuất và công nghiệp. Đề án đã được Thành ủy, UBND và các ngành ủng hộ và hiện nay đang chờ quy hoạch đất để thực hiện. Tại Đại hội lần này, vấn đề nhà ở cho công CNVCLĐ cũng được đưa vào văn kiện. Chúng tôi tin tưởng rằng, đến năm 2010 sẽ có ít nhất 1.000 căn hộ đưa vào sử dụng, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở của công nhân.

* Xin cảm ơn đồng chí! Chúc Đại hội VIII Công đoàn thành phố thành công tốt đẹp.

QUỐC TRƯỞNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết