24/08/2010 - 23:02

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV

Theo số liệu báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS tại Hội thảo Đại biểu dân cử khu vực ĐBSCL với chính sách, pháp luật y tế do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 11-8-2010, tỷ lệ người nhiễm HIV trên cả nước ước tính từ nay đến năm 2012 có xu hướng tăng, đặc biệt ở một số tỉnh, thành trọng điểm như Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ,...

* Số người nhiễm HIV ở các nhóm, lứa tuổi đều gia tăng

Nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Cái Răng đang lấy máu để xét nghiệm HIV theo yêu cầu của thai phụ.
Ảnh: Đ.LÝ 

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính trong năm 2010, số người nhiễm HIV cả nước là 254.000 người và dự báo tiếp tục tăng lên trên 280.000 người vào năm 2012. Riêng khu vực ĐBSCL, tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên đến cuối năm 2009, đã có 22.405 người bị nhiễm HIV, 4.122 trường hợp chuyển sang AIDS và dự báo gần 9.000 người sẽ tử vong vì AIDS. Số người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, trong đó nhóm tuổi từ 20-29 chiếm 45,52% và nhóm tuổi từ 30-39 chiếm 31,51%. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn cao, chiếm trên 35%. Tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới chiếm trên 67% và 100% tỉnh, thành đều có người nhiễm HIV. Trong khu vực ĐBSCL, tỉnh An Giang là một trong 10 tỉnh, thành có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất nước.

Tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Ban Mai, Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, cũng nêu lên thực trạng Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam. Theo đó, tình hình nhiễm HIV có xu hướng chuyển dịch sang nữ giới và lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Cụ thể, tỷ lệ nữ giới bị nhiễm HIV trong năm 2009 tăng 8,8% so với năm 2008; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV có xu hướng tăng từ 0,21% (năm 2008) lên 0,28% (năm 2009). Mỗi năm, cả nước có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai. Nếu tỷ lệ nhiễm là 0,28% thì mỗi năm có khoảng 5.600 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Dự báo, số phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Theo báo cáo tại hội thảo, tình hình trẻ em nhiễm HIV cũng gia tăng. Trẻ em độ tuổi từ 0-13 tuổi trong tổng số người nhiễm HIV được báo cáo tăng dần qua các năm, từ 0,2% năm 1993 lên 1,8% năm 2008. Đặc biệt rơi vào trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi (trẻ có cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ đã chết do AIDS) có xu hướng gia tăng. Đến cuối năm 2009, cả nước có 4.121 trẻ em dương tính với HIV, trong đó có 1.876 em đang được điều trị ARV. Năm 2010, theo dự báo có khoảng 5.100 trẻ bị nhiễm HIV, con số này sẽ tăng lên khoảng 5.700 trẻ bị nhiễm HIV vào năm 2012.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hầu hết trẻ bị nhiễm HIV sống thiếu thốn tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ (do họ chết vì AIDS), người thân, đặc biệt là vấn đề nghèo đói, thiếu dinh dưỡng, bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Một thực tế là hầu hết trẻ bị nhiễm HIV không có điều kiện tham gia học tập, vui chơi, giải trí và các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể với bạn bè cùng lứa tuổi”.

* Nhiều giải pháp hạn chế mức độ lây truyền HIV

Theo kết quả báo cáo tại hội thảo, tình hình dịch HIV luôn diễn biến phức tạp, khác nhau theo từng vùng, địa phương. Tuy nhiên, nếu các biện pháp can thiệp, dự phòng lây nhiễm, điều trị bằng ARV được triển khai thực hiện đồng bộ, thì tỷ lệ lây nhiễm HIV và tử vong do AIDS sẽ giảm. Theo ước tính, chương trình điều trị ARV làm giảm khoảng 40%-45% số ca tử vong do AIDS, đến năm 2012, sẽ có 75% bệnh nhân AIDS được nhận điều trị ARV. Hiện nay, thuốc ARV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được cung cấp đến tất cả các cơ sở sản khoa tuyến tỉnh, thành phố và một số cơ sở sản khoa tuyến quận, huyện. ĐBSCL hiện có 7.000 bệnh nhân AIDS được tiếp cận dịch vụ điều trị ARV.

Tương tự, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không được can thiệp trung bình sẽ có đến 35% bị lây nhiễm. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ này sẽ giảm đáng kể, chỉ còn dưới 5%. Nghĩa là số trẻ em có thể bị lây nhiễm HIV từ mẹ chỉ còn khoảng 250 em, có khoảng 1.750 em thoát khỏi nhiễm HIV, sống mạnh khỏe và phát triển như bao trẻ em khác. Đây là một con số rất có ý nghĩa.

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc quản lý và thống kê người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS khiến phụ nữ mang thai không tìm đến các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện. Các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi, do thiếu nhân lực, trang thiết bị, tài chính... Các hỗ trợ tâm lý chuyên sâu cho trẻ em và trẻ vị thành niên mới được thực hiện trên quy mô rất nhỏ. Cơ sở chăm sóc điều trị cho trẻ em nhiễm HIV thiếu cả về số lẫn chất lượng; cán bộ làm công tác này chưa được đào tạo chuyên sâu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cho biết, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung, tăng cường công tác phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các chương trình can thiệp, giảm tác hại dành cho người nhiễm HIV.

Với tình hình lây truyền HIV và các vấn đề xung quanh công tác phòng, chống HIV/AIDS được các đại biểu trình bày, thảo luận. Tại hội thảo, Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, yêu cầu các địa phương có những số liệu thống kê, đánh giá, phân tích và dự báo chính xác về tình hình nhiễm HIV để Ủy ban trình Chính phủ làm cơ sở cho các chương trình, mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những biện pháp, chính sách can thiệp nhằm giảm lây nhiễm HIV phù hợp ở từng nơi, đặc biệt ở tỉnh An Giang. Đến năm 2015, cả nước sẽ có 15 tỉnh, thành triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone (hiện nay có 4 tỉnh, thành thực hiện). Đây là biện pháp can thiệp, hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy. Bà Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh, cần phải tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và người dân trong công tác phòng, chống HIV. Đặc biệt là các biện pháp can thiệp, giảm kỳ thị, giúp người nhiễm HIV tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm tác hại do HIV gây ra, vừa giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống, sống khỏe, vừa tuyên truyền ý thức tự phòng lây truyền HIV cho cộng đồng.

THÙY TRANG

Chia sẻ bài viết