19/09/2022 - 09:52

Tập trung thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 

Bài, ảnh: B.Kiên

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới) được thực hiện đối với các lớp 3, 7 và 10. Hiện nay, toàn ngành Giáo dục thành phố nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo các nguồn lực phục vụ chương trình.

Các giáo viên Tổ Lý - Tin - Công nghệ, Trường THPT Bình Thủy, thảo luận các môn học lớp 10 mới, năm học 2022-2023.

Chuẩn bị chu đáo

Năm học 2022-2023 là niên khóa đầu tiên triển khai CTGDPT mới đối với lớp 10. Học sinh được học theo hướng phân hóa định hướng nghề nghiệp, ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh được tự chọn 4 môn và 1 chuyên đề chuyên sâu. Trước thềm khai giảng năm học mới, các trường THPT tại TP Cần Thơ đã có danh sách lớp chính thức sau khi học sinh hoàn thành chọn lựa các môn học. Em Hoàng Ðình Nguyên, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết nhờ sự tư vấn của thầy cô, việc chọn lựa các môn học của em và các bạn thuận lợi. Em đã chọn lớp Khoa học tự nhiên và chuyên đề Toán - Lý - Tin; bởi định hướng nghề nghiệp của em là ngành Công nghệ thông tin.

Năm học này, Trường THPT Bình Thủy có hơn 2.000 học sinh các lớp. Ban Giám hiệu tạo điều kiện cho tất cả giáo viên tham gia tập huấn các mô-đun; chuẩn bị tư vấn sớm cho học sinh đăng ký nguyện vọng học tổ hợp môn học lớp 10 phù hợp năng lực. Các tổ chuyên môn của trường đã trao đổi chuyên môn, lập kế hoạch, soạn giảng cho từng môn cũng như thống nhất nội dung cho chương trình mới. Mỗi giáo viên cũng tự trau dồi kiến thức chuyên môn để tổ chức dạy CTGDPT mới hiệu quả. Cô Nguyễn Thị Bé Năm, Tổ trưởng Tổ Lý - Tin - Công nghệ, Trường THPT Bình Thủy, cho biết: “Hè vừa qua, tôi đã tự học hỏi, tìm kiếm thông tin để tổ chức hoạt động cho học sinh. Tùy năng lực học sinh mà giáo viên có phương pháp dạy phù hợp”.

Việc thực hiện CTGDPT mới ở lớp 3 và 7 được các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố triển khai thuận lợi nhờ đã có kinh nghiệm ở các khối lớp thực hiện chương trình mới trước đó. Thầy Nguyễn Văn Ruộng, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hưng (huyện Cờ Ðỏ) cho biết năm học mới này, trường sẽ có hơn 1.000 học sinh, trong đó có khoảng 500 em khối 6 và 7. Trường chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên phụ trách lớp học theo CTGDPT mới. Hiện giáo viên của trường đạt chuẩn gần 100%. Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, cho biết với nguồn lực 2 năm triển khai CTGDPT mới lớp 1, 2, việc triển khai với lớp 3 năm học này thuận lợi nhờ đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn. Trường cũng được đầu tư xây dựng mới các phòng học, đảm bảo thực hiện CTGDPT mới. Hiện trường có 32 phòng học và một số phòng chức năng, 52 cán bộ, giáo viên. Tất cả giáo viên đã được tập huấn; được bố trí, sắp xếp các lớp, đảm bảo phục vụ dạy và học lớp học 2 buổi/ngày.

Quyết tâm vượt khó

Khi thực hiện CTGDPT mới, ngành Giáo dục thành phố vẫn còn một số khó khăn về nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất. Toàn ngành vẫn còn thiếu 237 giáo viên môn Tin học, giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT khi áp dụng CTGDPT mới từ năm học 2022-2023. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp quy mô phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn về quỹ đất để sửa chữa, nâng cấp mở rộng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường theo quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các cấp học và Thông tư số 13/2020/TT-BGDÐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT).

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục thành phố vừa diễn ra, đại diện lãnh đạo ngành GD&ÐT quận, huyện cho biết những khó khăn do thiếu giáo viên, trường lớp, phục vụ CTGDPT mới. Ðơn cử huyện Vĩnh Thạnh khi triển khai CTGDPT mới lớp 6, gặp hạn chế về cơ sở vật chất vì còn 2 trường THCS (Thạnh Lợi và Vĩnh Bình) chưa đủ cơ sở vật chất, các phòng học bộ môn. Việc cung cấp thiết bị CTGDPT mới chưa kịp thời để phục vụ dạy và học lớp 6 năm học vừa qua. Còn ở quận Bình Thủy lại thiếu giáo viên do không tuyển được vì không đủ nguồn tuyển theo chuẩn đào tạo được quy định tại Luật Giáo dục 2019. Như năm học 2021-2022, quận thiếu 56 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 28 người; dự kiến năm học 2022-2023, quận sẽ thiếu 88 giáo viên. Bà Lê Thị Hường, Phó trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, cho biết nguồn giáo viên hợp đồng lại thiếu hụt do không có giáo viên đạt trình độ đào tạo quy định nên phải hợp đồng giáo viên về hưu còn sức khỏe, còn tuổi lao động theo quy định. Ðể đảm bảo đủ giáo viên, thành phố cần có cơ chế hợp lý cho việc tuyển dụng viên chức giáo dục theo Nghị định số 71/2020/NÐ-CP.

Ðể chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới, thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố phối hợp cùng các địa phương rà soát danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các lớp đã được ban hành để trang bị mua sắm bổ sung; hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng thực hành sẵn có đáp ứng chương trình. Về đội ngũ nhà giáo, thành phố có 14.480 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 12.099 giáo viên. Ngành đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ. Các giáo viên hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện chương trình mới.

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết ngay từ khi hoàn tất việc tuyển sinh đầu cấp, Sở đã chỉ đạo các đơn vị rà soát sắp xếp, bố trí số lượng học sinh từng lớp, nhóm lớp và cơ cấu lại viên chức, giáo viên theo định mức quy định. Ðồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục hợp đồng giáo viên những môn học thiếu cục bộ trong thời gian chờ đợi tuyển dụng. Sở cũng phối hợp với các địa phương luân chuyển cục bộ giáo viên các trường để đảm bảo phân công, phân nhiệm giáo viên đủ giờ, tiết dạy phục vụ hiệu quả cho CTGDPT mới lớp 3, 7 và 10.

Chia sẻ bài viết