22/11/2017 - 13:29

Tập trung nâng chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới 

Giai đoạn 2011-2016, TP Cần Thơ có 20/36 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, khi Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 được ban hành, chuẩn một số tiêu chí được nâng lên, hầu hết  xã rơi vào tình trạng sụt giảm số tiêu chí đã đạt.

Giảm từ 1-4 tiêu chí

Giai đoạn 2011-2016, nhìn chung, 20/36 xã đạt chuẩn NTM của thành phố đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; sản xuất tiếp tục được duy trì và phát triển; đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm.

Thời gian qua, các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất, cải thiện thu nhập người dân. (Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình trồng lúa hiệu quả tại huyện Thới Lai). Ảnh: TUYẾT TRINH

Tuy nhiên, năm 2017, việc đánh giá các tiêu chí thực hiện theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 tăng thêm 10 chỉ tiêu (từ 39 lên 49 chỉ tiêu) so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, một số tiêu chí được nâng cao về chất lượng. Cụ thể: Đối với tiêu chí thu nhập, theo Bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 khu vực ĐBSCL là từ 50 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp điều tra đa chiều bằng và dưới 4%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 85% (trước đây là 70%); tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95% và sử dụng nước sạch trên 65%. Đây là lý do khiến cho các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016, đến năm nay, lại bị giảm số tiêu chí đã đạt.

Qua kết quả rà soát, các xã NTM trên địa bàn thành phố đều bị giảm từ 1-4 tiêu chí so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020. Đơn cử, tại huyện Cờ Đỏ, qua rà soát kết quả thực hiện các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, xã Trung An chỉ đạt 15/19 tiêu chí, cần tiếp tục nâng chất tiêu chí trường học (do chia tách 1 trường THCS), cơ sở vật chất văn hóa (do dời địa điểm xây dựng mới nhà văn hóa ấp, y tế (chỉ tiêu bảo hiểm y tế) và quy hoạch (bổ sung quy định quản lý quy hoạch theo bộ tiêu chí mới). Tương tự xã Trung Thạnh đạt 18/19 tiêu chí,  chỉ tiêu bảo hiểm y tế chưa đạt (theo quy định là 85%). Xã Trung Hưng đạt 16/19 tiêu chí, cần nâng chất tiêu chí quy hoạch, thu nhập và y tế.

Giai đoạn 2011-2016, huyện Thới Lai có 5/12 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Trường Xuân, Thới Thạnh, Đông Thuận, Đông Bình, Trường Xuân A. Kết quả rà soát theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, các xã đều bị giảm từ 2 tiêu chí trở lên. Trong đó, chủ yếu là các tiêu chí, như: thu nhập, hộ nghèo, y tế (chỉ tiêu bảo hiểm y tế)… Phong Điền là huyện đầu tiên của thành phố có 6/6 xã đạt chuẩn NTM và được công nhận huyện NTM. Qua rà soát, đối chiếu Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, hiện xã Tân Thới và Trường Long đạt 17/19 tiêu chí; Nhơn Ái đạt 18/19 tiêu chí; Nhơn Nghĩa, Giai Xuân, Mỹ Khánh đạt 16/19 tiêu chí…

Tập trung nâng chất

Hiện tại, để giữ vững các tiêu chí cũng như danh hiệu xã NTM, các địa phương đã có những giải pháp khắc phục. Ông Nguyễn Thực Hiện, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: Cờ Đỏ có 3/9 xã đạt chuẩn xây dựng NTM. Tại các xã này, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân không ngừng nỗ lực duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo phương châm “Không phải đạt chuẩn là kết thúc, là tự bằng lòng mà cấp ủy xã đã chỉ đạo chính quyền thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động, như: thu nhập bình quân đầu người, môi trường, giao thông, cơ sở vật chất trường học, văn hóa…”. Trong đó, các địa phương chú trọng tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Thời gian qua, huyện hỗ trợ các xã nâng chất các tiêu chí. Cụ thể, đầu tư xây dựng trường THCS và nhà văn hóa ấp tại xã Trung An; chỉ đạo xã Trung Hưng áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân theo quy định. Đối với chỉ tiêu bảo hiểm y tế, các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc rà soát lại số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt quy định.

Trên địa bàn huyện Phong Điền vẫn còn một số tiêu chí tuy đã đạt nhưng chất lượng chưa cao, đặc biệt so với Bộ tiêu chí Quốc gia và Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM giai đoạn 2016-2020 còn khá thấp. Từ đó, huyện đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Phong Điền, đang chờ UBND thành phố phê duyệt. Mục tiêu của Đề án nhằm tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân về thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; duy trì các tiêu chí đã đạt được kết hợp với thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Giai đoạn 2017-2020, kế hoạch nâng chất NTM của huyện tập trung vào các nội dung, như: phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; giảm nghèo bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội được nâng chất đáp ứng tốt nhu cầu... Hằng năm, huyện chỉ đạo mỗi xã đưa ra kế hoạch, lộ trình nâng chất cụ thể cho từng tiêu chí.

Năm 2017, xã Trường Xuân chỉ đạt 16/19 tiêu chí so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, cần nâng chất 3 tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, y tế (chỉ tiêu bảo hiểm y tế). Theo ông Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã rà soát, xem xét quy hoạch, quy mô sản xuất để khắc phục tình trạng mất cân đối trong sản xuất, đặc biệt là nông, thủy sản. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong đó, tập trung sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm. Xã lồng ghép các chương trình dự án đang triển khai trên địa bàn xã để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Có thể nói, để giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngoài quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính người dân - “chủ thể” của quá trình xây dựng NTM. Đây sẽ là động lực quan trọng để các xã NTM tiếp tục duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí.

TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết