31/12/2012 - 16:27

THÁNG ĐẦU NĂM 2013

Tập trung kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Lực lượng chức năng TP Cần Thơ kiểm tra hàng hóa chuẩn bị cung ứng Tết Nguyên đán 2013 tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ.
Ảnh: TUYẾT TRINH

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của thành phố tháng 12 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 3,92% so với tháng 12 năm trước. Tính bình quân 12 tháng năm 2012, CPI của thành phố tăng 6,76% so với bình quân 12 tháng của năm trước. Tháng 1-2013, thời điểm đến Tết Nguyên đán 2013 gần kề và cũng là thời điểm giá cả hàng hóa trên thị trường thường tăng cao. Vì vậy, ngành chức năng của thành phố triển khai nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… ổn định kinh tế ngay trong tháng đầu năm mới.

CPI tháng cuối năm tăng nhẹ

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng cuối năm 2012 có 10/11 nhóm hàng được đưa vào "rổ hàng hóa" tính CPI có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ có nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng trên 1% nhưng cũng chỉ ở mức 1,06%.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng cuối năm tăng 0,46% so với tháng trước (trong đó, nhóm lương thực tăng 0,48%; thực phẩm tăng 0,6% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%). Theo ghi nhận của Cục Thống kê thành phố, trong tháng 12, giá gạo thường và gạo thơm tăng nhẹ so với tháng trước, như: giá gạo thường bán lẻ tăng từ 200-500 đồng/kg, gạo thơm giá bán tăng từ 500-700 đồng/kg. Khoai lang (một trong những nhóm hàng thuộc nhóm lương thực) bán trên thị trường trong tháng có xu hướng tăng cao trở lại so với các tháng trước, mức tăng từ 1.000- 2.000 đồng/kg làm ảnh hưởng đến chỉ số của nhóm khoai lang tăng 7,32%. Do nhu cầu tiêu thụ trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch tăng nên giá các loại thực phẩm tươi sống tại một số địa phương trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng. Trong tháng, theo Cục Thống kê thành phố ghi nhận tại các điểm chợ, giá thịt heo đùi, cốt lết của heo từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, nạc dăm khoảng 80.000 đồng/kg, sườn non khoảng 100.000 đồng/kg… Các mức giá này tăng từ 5.000 – 7.000 đồng/kg tùy từng loại so với bình quân chung của tháng trước. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán 2013, giá thịt heo tiếp tục tăng nhưng không tăng quá 2.500 đồng/kg. Trung tuần tháng 12, giá bán lẻ thịt gà cũng tăng tổng cộng khoảng 5.000 – 15.000 đồng/kg, tùy loại. Tại các chợ lẻ, gà mái ta làm sẵn giá trung bình khoảng 110.000 đồng/kg; gà công nghiệp 50.000 đồng/kg, gà tam hoàn làm sẵn 83.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi đã tăng 8.000 – 10.000 đồng/kg và ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ gà trong nước đã tăng trở lại khi người tiêu dùng hạn chế mua thịt gà đông lạnh nhập khẩu. Dù giá rau, củ… tại các chợ đầu mối trong xu hướng giảm nhưng ghi nhận của ngành thống kê tại một số chợ, giá bán lẻ các mặt hàng này chênh lệch khá cao so với giá bán sỉ. Điển hình như: dưa leo, khổ qua giá sỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng tiểu thương chợ lẻ bán đến tay người tiêu dùng khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg. Tại chợ sỉ, xà lách búp 7.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 27.000 đồng/kg nhưng chợ lẻ lên đến lần lượt là 25.000 đồng/kg và 40.000 đồng/kg…

Nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép tháng 12 có chỉ số giá tăng 0,66% so với tháng trước. Bởi trong tháng diễn ra lễ Noel, rồi đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán gần kề - đây là thời điểm nhộn nhịp nhất tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán hàng may mặc vì vậy giá một số mặt hàng quần áo có xu hướng tăng. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch trong tháng cuối năm 2012 có chỉ số giá tăng 0,24% so với tháng trước; nguyên nhân chủ yếu do một số mặt hàng đồ chơi trẻ em, một số hoa tươi… tăng giá. Ảnh hưởng của việc giảm giá xăng 500 đồng/lít trong tháng trước nên tháng 12 chỉ số giá của nhóm cá thể xăng giảm 1,18%. Tuy nhiên, mức giảm này không tác động đến chỉ số giá chung của nhóm giao thông. Một số mặt hàng như xe đạp, phụ tùng xe gắn máy và các loại dịch vụ bảo dưỡng khác tăng cao làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,05% so với tháng trước. Thuộc nhóm hàng có CPI tăng còn có các nhóm hàng như: thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,25%); thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,17%); giáo dục (tăng 0,31%). Nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.

Tháng 12, ngược lại với xu hướng tháng trước, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số giá giảm duy nhất. Nhưng mức giảm cũng chỉ 0,25%. Nguyên nhân chủ yếu do giá gas trong tháng 12 giảm 12.000 đồng/bình 12kg. Ngoài ra, thị trường vật liệu xây dựng được dự báo ổn định; do nhu cầu tiêu thụ và chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm nên giá một số loại thép trên thị trường giảm…

Ưu tiên giải pháp kiềm chế lạm phát

Năm 2013 được dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn. Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định; áp lực lạm phát vẫn còn khá lớn. Ngoài ra, những rủi ro về thiên tai, bão lũ, dịch bệnh có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định kinh tế, đời sống người dân… Đặc biệt, trong tháng 1-2013, thời điểm cuối năm âm lịch, theo thông lệ, sức mua hàng hóa trên thị trường tăng cao, kéo theo giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường tăng; ảnh hưởng lớn đến chỉ số lạm phát. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Ngay trong tháng đầu năm, các ngành hữu quan thành phố cần có kế hoạch, triển khai các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2013. Trong đó, tiếp tục kiềm chế lạm phát được xem là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, ngay từ tháng 11, 12 -2012 và cả tháng 1-2013, song song với việc triển khai chương trình bình ổn giá, ngành công thương thành phố chủ động với các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra kiểm soát nhằm bình ổn giá cả thị trường; kiểm tra việc chuẩn bị hàng hóa kinh doanh phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Việc làm này một mặt phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng trái phép, tình trạng buôn bán hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại, chống buôn lậu…; mặt khác góp phần bình ổn thị trường, phục vụ đắc lực cho nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo ngành công thương, ngay trong tháng đầu năm, ngành công thương đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hiện tượng tung tin đồn thất thiệt, hiện tượng đầu cơ nâng giá bán. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, vi phạm pháp luật về quản lý giá… Ngoài việc triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, các ngành hữu quan cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ triển khai các biện pháp nhằm giữ mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định; giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vốn đối với nông dân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo lãnh đạo thành phố, để ổn định cung – cầu, ổn định giá cả hàng hóa thị trường, ngành công thương cần có giải pháp tập trung khai thác có hiệu quả thị trường nội địa. Tích cực, chủ động tham gia hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước, nhất là các nhà phân phối lớn, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực phân phối đang có mặt tại TP Cần Thơ để triển khai cung cấp hàng nông sản cho các hệ thống, đảm bảo "đầu ra" cho hàng hóa nông sản của nông dân. Bên cạnh đó, ngành công thương cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; chủ động mở rộng, khai thác thị trường trong nước và xuất khẩu... Bên cạnh đó, các ngành hữu quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; triển khai rà soát các chợ truyền thống, nhất là các chợ ở vùng nông thôn để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nâng cấp… chợ. Từ đó, đảm bảo điều kiện kinh doanh cho các tiểu thương trong chợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là hàng Việt…

Hà Triều

Chia sẻ bài viết