08/07/2009 - 08:05

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu GDP năm 2009 đạt khoảng 5%

* Chính phủ thảo luận, thông qua 3 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 dự án Luật (sửa đổi)
* Sẽ có sửa đổi, bổ sung về chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ đối với một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và LLVT

“Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu GDP năm 2009 đạt khoảng 5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát quay trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, trật tự an toàn xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế’’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội từ nay đến cuối năm 2009, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, diễn ra trong hai ngày 6 và 7-7. Cùng tham gia phiên họp (phần kinh tế- xã hội) có lãnh đạo UBND của 63 tỉnh, thành phố thông qua truyền hình trực tuyến với các địa phương.

Về công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế- xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo để có sự điều chỉnh kịp thời các chính sách kinh tế. Trong chỉ đạo phải đồng bộ, quyết liệt, có kiểm tra, đôn đốc; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương. Các cơ quan thông tin, báo chí phải cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận toàn xã hội trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách về kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước.

Tại phiên họp này, Chính phủ dành phần lớn thời gian nghe, thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2009, dự báo và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm; đồng thời kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009 của Chính phủ. Chính phủ thống nhất đánh giá: 6 tháng đầu năm nền kinh tế mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái và đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Để đạt được các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2009, trong đó có các mục tiêu và chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (khóa XII), từ nay đến cuối năm, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu sau: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, phấn đấu GDP đạt khoảng 5%. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển. Điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, có các giải pháp kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm kịp thời đúng đối tượng hỗ trợ. Tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện, điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương đến tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra hướng vào việc thực hiện các chính sách kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

* Chiều 7-7, Chính phủ đã nghe, thảo luận và thông qua các tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu 3 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 dự án Luật (sửa đổi ), bao gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1-8-2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Về việc cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tờ trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nêu rõ: Trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số hạn chế như một số chức danh lãnh đạo mới phát sinh từ sau tháng 10-2004 do sắp xếp lại tổ chức hoặc theo quy định mới của Nhà nước, chưa được bổ sung hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo; chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức còn bất hợp lý so với tương quan giữa các ngành, nghề. Đáng chú ý, ngày 13-11-2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Cán bộ, công chức và Luật này có hiệu lực từ ngày 1-10-2010, trong đó Khoản 1, Điều 82 về kéo dài thời gian nâng lương khi công chức bị kỷ luật đã được quy định khác so với quy định hiện hành tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

QUANG LIÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết