21/05/2009 - 07:36

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII

Tập trung cao độ mọi nguồn lực ngăn chặn suy giảm kinh tế

* Cần xây dựng dự toán ngân sách sát với thực tế

Sáng 20-5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Trước giờ khai mạc, các đại biểu Quốc hội (QH) đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong phiên khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ họp.

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện các đoàn ngoại giao đã tới dự.

 

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự lễ khai mạc kỳ họp. Ảnh: TRÍ DŨNG - TTXVN.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo của Chính phủ, nêu bật một số vấn đề quan trọng nổi lên qua việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, 5 tháng đầu năm 2009 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ còn lại của năm 2009 là hết sức khó khăn, nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và của toàn dân và nêu bật một số nội dung lớn cần được quan tâm chỉ đạo: Thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát. Chăm lo đời sống nhân dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, tạo đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2009. Bên cạnh đó, đồng thời thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh...

Để tập trung xử lý tốt những vấn đề then chốt, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong điều hành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009, CP đề nghị QH: Quyết định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, trong đó, ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%. Cho phép điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu CP thêm 20.000 tỉ đồng; sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế thuộc thẩm quyền của QH, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu và một số chính sách quan trọng khác trình QH tại kỳ họp này. Phó Thủ tướng khẳng định: CP quyết tâm nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của QH, phấn đấu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 ở mức cao nhất. CP tin chắc rằng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động tối đa sức mạnh nội lực, tận dụng tốt nhất ngoại lực, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra.

Tiếp đó, QH đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, cho biết đã nhận được 2.446 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH bày tỏ quan tâm về việc tổ chức thực hiện các giải pháp kích cầu của CP; vấn đề lao động, việc làm và đời sống nhân dân; vấn đề vệ sinh, môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản và vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề chất lượng giáo dục, đào tạo; an toàn giao thông; trật tự đô thị; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Cuối phiên họp buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; việc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.

Chiều 20- 5, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường để nghe các Tờ trình và báo cáo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ... Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ, việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, dự án đầu tư tại Venezuela của Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007...

Đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 5%

Thừa Ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ. Báo cáo nêu rõ: trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái sâu kinh tế thế giới và những khó khăn thách thức ở trong nước ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước đã được QH thông qua. Để chủ động trong điều hành, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%; điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% trong năm 2009. Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng mức bội chi ngân sách năm 2009 tối đa khoảng 8% GDP, tùy theo biến động của giá dầu thô thế giới. Trong quá trình điều hành, Chính phủ phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước đến mức thấp nhất, trong phạm vi QH cho phép, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước để trong vòng 5 năm (2009-2013) bình quân ở mức 5% GDP, bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn cho phép.

Để bổ sung thêm nguồn kích cầu đầu tư, tăng thêm nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, Chính phủ trình QH bổ sung thêm 20.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 nhằm tăng thêm nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục....

Chính phủ trình QH phương án miễn toàn bộ số thuế đã giãn cho các đối tượng đã được tạm giãn nộp thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009. Từ ngày 1-7-2009, Chính phủ đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân đến hết năm 2010 đối với các cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán), từ bản quyền, nhượng quyền thương mại. Đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú, đề nghị cho giảm thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-7-2009 đến hết năm 2009 với mức thống nhất là 200.000 đồng/tháng. Cá nhân có số thuế phải nộp cao hơn 200.000 đồng/tháng phải nộp phần thuế cao hơn vào ngân sách Nhà nước (các đối tượng này 6 tháng đầu năm cũng đã được giảm với số thuế lớn, tương ứng với 50% số thuế phải nộp).

Như vậy, chủ trương của Chính phủ là phấn đấu tăng thu ngân sách, giảm chi (đặc biệt với các dự án đầu tư công), thắt chặt chính sách tiền tệ, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5%

Tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009, bội chi ngân sách, phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng mặc dù thách thức là lớn song nhu cầu đầu tư của nền kinh tế rất cao, nếu tháo gỡ những khó khăn, ách tắc về cơ chế, thực hiện có hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ và nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh thì có thể đạt được các mức tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng: do tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,1% nên mức tăng trưởng cả năm kể cả là 5% cũng là một thách thức lớn.

Cùng với điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đa số ý kiến đồng ý với kiến nghị của Chính phủ về điều chỉnh tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống còn dưới 10%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống còn 3%. Nhiều ý kiến cho rằng, với bài học kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn 2003-2007và đỉnh điểm đã xảy ra lạm phát trong hai năm 2007-2008, cần được xem xét kỹ hơn các chỉ tiêu vĩ mô: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 giảm chỉ còn 5%, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, dưới 10%, bội chi ngân sách không còn giữ được ở mức dưới 5% GDP và có thể kéo dài 4 đến 5 năm nữa, cùng với chính sách tiền tệ đã được nới lỏng...cần có các giải pháp tích cực để tránh xảy ra lạm phát trong tương lai gần. Đề nghị Chính phủ có giải pháp hướng tới một chiến lược tài chính tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Về bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), với dự báo tình hình thu ngân sách giảm mạnh, trong khi không cắt giảm dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước dẫn đến gia tăng mức thâm hụt ngân sách nhà nước, vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với phương án của Chính phủ cần điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 và các giải pháp điều hành của Chính phủ.

Cần xây dựng dự toán ngân sách nhà nước sát với thực tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa Ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007. Việc quyết toán thu, chi NSNN cơ bản đạt và vượt mức dự toán được giao. Trong điều kiện tiếp tục phải điều chỉnh giảm thuế theo các cam kết hội nhập, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm góp phần ổn định giá trong nước, chống lạm phát... Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa bền vững, cùng với những tồn tại trong quản lý thực hiện NSNN chưa khắc phục được triệt để là những thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế trong những năm tới, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả. Bởi vậy, Chính phủ đề nghị QH phê chuẩn tổng số thu cân đối NSNN là 431.057 tỉ đồng (bao gồm cả thu kết chuyển nguồn từ năm 2006 sang năm 2007, thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); Tổng số chi cân đối NSNN là 469.606 tỉ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2007 sang năm 2008); Bội chi NSNN là 64.567 tỉ đồng, bằng 5,64% GDP.

Theo báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Công tác lập và quyết định dự toán thu, chi NSNN tuy có tiến bộ nhưng không ít bộ, ngành địa phương xây dựng dự toán chưa sát với thực tế, chậm được khắc phục. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng tồn tại lớn nhất vẫn là khâu xây dựng cơ bản. Việc bố trí, phân bổ và giao kinh phí vẫn còn tình trạng sai mục tiêu, sai đối tượng thụ hưởng, giao kinh phí chậm, ghi kế hoạch vốn cho các công trình, dự án khi chưa đủ thủ tục đầu tư vẫn tiếp tục tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương. Tình trạng cân đối giữa kế hoạch đầu tư và bố trí vốn xây dựng không sát thực tế, thiếu đồng bộ dẫn đến điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; không phân bổ hết ngay từ đầu năm, dẫn tới nhiều dự án hiệu quả đầu tư thấp...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị tăng số thu NSNN 4.166 tỉ đồng; giảm chi NSNN 2.731 tỉ đồng, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện thu hồi những khoản chi sai quy định, xử lý các khoản chi chuyển nguồn không đúng quy định. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2007 với tổng thu cân đối NSNN là 431.057 tỉ đồng; tổng chi cân đối NSNN là 469.606 tỉ đồng; số bội chi NSNN là 64.567 tỉ đồng, bằng 5,64% GDP.

Cuối buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi trình bày dự án và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

THANH HÒA - BÍCH THỦY -
LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

THANH HÒA - BÍCH THỦY -LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết