04/03/2011 - 09:47

Tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện tốt trách nhiệm lựa chọn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

 

Tiếp nối những thành công rực rỡ của Đại hội Đảng lần thứ XI, ngày 22-5-2011 sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là sự kiện trọng đại của quốc gia, là ngày hội của toàn dân, cử tri cả nước lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất để bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Nhân dịp này, đồng chí Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đã trả lời phỏng vấn của báo chí về công tác chuẩn bị bầu cử.

* Xin đồng chí cho biết những điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND lần này?

- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được ban hành năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung năm 2011; Luật bầu cử đại biểu HĐND được ban hành năm 2003 là cơ sở pháp lý để cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, XII và cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009. Điểm mới quan trọng nhất của cuộc bầu cử lần này là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND chung, thống nhất trong cùng một ngày.

Để chuẩn bị cơ chế pháp lý cho cuộc bầu cử chung này, đồng thời cũng là hoàn thiện một bước pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử Quốc hội và Luật bầu cử HĐND. Trên nguyên tắc sửa đổi, bổ sung đó, Luật bầu cử sắp tới sẽ có một số điểm mới. Cụ thể như sau: Thứ nhất, có sự thống nhất về khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội lần này cũng đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND. Thứ hai, có sự thống nhất về số lượng cử tri trong mỗi khu vực bỏ phiếu. Trước đây, mỗi khu vực bỏ phiếu đại biểu Quốc hội có từ 300 - 2.000 cử tri trong khi đó mỗi khu vực bỏ phiếu của bầu cử đại biểu HĐND lại có từ 300 - 4.000 cử tri. Để tiến hành cuộc bầu cử chung như trong bầu cử lần này, số lượng cử tri của khu vực bỏ phiếu bầu cử sẽ được quy định thống nhất là có từ 300 - 4.000 cử tri. Thứ ba, có sự thống nhất về các tổ chức phụ trách bầu cử, bao gồm Hội đồng bầu cử ở Trung ương, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Ban bầu cử tại mỗi đơn vị bầu cử và Tổ bầu cử tại mỗi khu vực bầu cử. Lần này, Hội đồng bầu cử ở Trung ương sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập và phụ trách việc bầu cử đại biểu Quốc hội và việc bầu cử đại biểu HĐND trong toàn quốc. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được giao cho UBND các địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thành lập. Ngoài ra, cuộc bầu cử lần này cũng có một số quy định mới về mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu, thời gian niêm yết danh sách cử tri, thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy trình thủ tục tiến hành bỏ phiếu...

* Những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2006-2011 là gì, thưa đồng chí ?

- Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền cũng như các đoàn thể quần chúng thông qua MTTQ là phối hợp một cách chặt chẽ để tiến hành triển khai cuộc bầu cử thắng lợi. Trước hết là đảm bảo lựa chọn được những người xứng đáng nhất tham gia ứng cử, đảm bảo tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đảm bảo cơ cấu vùng miền, thành phần, người ngoài Đảng, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu nữ... Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nắm vững thông tin, có điều kiện quyết định chính xác, đúng đắn lá phiếu của mình. Một mặt rất quan trọng là đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội để cuộc bầu cử thắng lợi hoàn toàn.

* Theo đồng chí, vấn đề tiêu chuẩn nhân sự được đặt ra như thế nào? Việc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cùng một thời gian có ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị nhân sự?

- Ngoài những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, chính trị, lối sống, đại biểu Quốc hội cần có một tầm nhìn sâu và rộng để đảm bảo có thể nắm bắt được những thời cơ và thách thức đối với đất nước trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, tham gia một cách tích cực và chủ động trong việc quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia. Thứ hai, đại biểu Quốc hội phải có quyết tâm đổi mới cả về tư duy, cả về hành động, phải được thể hiện cụ thể trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như quy định của pháp luật. Thứ ba, đại biểu Quốc hội phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ năng lực, phải thường xuyên trau dồi kinh nghiệm và thường xuyên cập nhật thông tin cả về tình hình thực tiễn trong nước, quốc tế để có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Tôi tin tưởng, với tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân, cử tri cả nước sẽ sáng suốt lựa chọn được những đại diện tiêu biểu nhất, đủ đức đủ tài để tham gia vào Quốc hội khóa XIII, thể hiện, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.

Chúng ta đã có chủ trương từ trước về việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong cùng một thời gian và đã triển khai thực hiện từng bước. Do đó, đến giờ này, việc chuẩn bị chỉ là khâu hoàn tất. Thực ra, đây lại là một mặt rất thuận lợi cho công tác chuẩn bị nhân sự bởi không có sự biến động, xáo động như trước; tạo điều kiện thực hiện một cách đồng bộ nhân sự của toàn bộ hệ thống chính trị.

* Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn trong công tác tuyên truyền trước, trong và sau cuộc bầu cử?

- Công tác tuyên truyền trước và sau bầu cử được chia làm 3 giai đoạn, phụ thuộc vào quy trình tiến hành các bước trong thực hiện bầu cử. Các giải pháp bao gồm những giải pháp về tuyên truyền ý nghĩa của cuộc bầu cử, giải thích, hướng dẫn những quy định mới về bầu cử, thông tin về quá trình bầu cử, nhân sự được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về công tác bầu cử. Đồng thời, định hướng thông tin trong báo chí để tạo được niềm tin, sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất, tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân để tham gia vào Quốc hội.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí.

THANH HÒA - TTXVN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết