13/05/2013 - 20:41

NÂNG CẤP CHUỖI GIÁ TRỊ GẠO ST5

Tạo mối liên kết bền vững để ổn định chất lượng

Việc nâng cấp chuỗi giá trị gạo ST5 do "Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng" đề xuất đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, để tạo uy tín và tiến tới xây dựng thương hiệu cho gạo thơm ST5 trên thị trường trong và ngoài nước…

 Gạo thơm ST5 thu hút được nhiều người quan tâm tại Festival lúa gạo lần thứ II. 

Liên kết để ổn định chất lượng - là một trong những hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo ST5 do "Dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng" triển khai từ năm 2013-2016. Tuy nhiên, vấn đề liên kết như thế nào khi cả doanh nghiệp lẫn nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, muốn làm lúa ST5 với nông dân nhằm đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp cần phải có lò sấy, kho dự trữ, để khi vào vụ thu hoạch là thu mua, chế biến kịp thời, vừa đảm bảo được chất lượng, vừa góp phần tiêu thụ lúa hàng hóa nhanh chóng, tránh tồn đọng trong nông dân.

Mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo ST5 ở Sóc Trăng giai đoạn đầu vẫn được thực hiện khá dễ dàng do quy mô và sản lượng còn thấp, nhưng đến khi diện tích và sản lượng tăng lên thì bắt đầu gặp khó. Tuy nhiên, ông Quách Văn Quang, Chủ nhiệm HTX Vĩnh Tiền tỏ ra lạc quan: "Vấn đề liên kết sản xuất lúa ST5 giữa nông dân với doanh nghiệp là không khó, nếu các bên hiểu và chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn với nhau". TS Lê Phước Son, tư vấn dự án đề xuất: "Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chỉ thành công khi quyền lợi của cả hai bên được đảm bảo. Do đó, phải tạo được sự hấp dẫn cần thiết để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị này, thông qua một số mô hình thử nghiệm theo hình thức hợp tác công-tư". Đây được xem là một trong 4 "từ khóa" quan trọng trong việc nâng cấp chuỗi giá trị gạo thơm ST5 được nhóm tư vấn dự án đưa ra. PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Lộc phân tích: "Giá lúa thơm ST5 vụ đông xuân mới đây giảm, ngoài nguyên nhân chất lượng còn do chúng ta chưa dự báo chính xác nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì vậy, việc tiến hành công tác dự báo nhu cầu của thị trường là hết sức cần thiết, để làm cơ sở cho việc quy hoạch diện tích sản xuất và xác định nhu cầu giống lúa cần sử dụng. Hiện nay, 95% sản lượng lúa ST5 được sử dụng cho thị trường xuất khẩu, nhưng nếu chúng ta có sự khảo sát, đánh giá một cách chính xác nhu cầu, có chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả thì tiềm năng thị trường trong nước là không nhỏ".

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ dân ở tỉnh Tiền Giang đã đổ xô ra siêu thị tìm mua gạo thơm ST, nhưng không có. Đây là những hộ đã được nhóm tư vấn tặng gạo thơm ST5 trước đó, để lấy ý kiến đánh giá. Phần lớn các đại lý kinh doanh gạo từ miền Trung trở vào, sau khi được tặng gạo thơm ST5 đều đánh giá cao chất lượng loại gạo này. Đối với thị trường xuất khẩu, sau thành công Festival lúa gạo lần thứ II tổ chức tại Sóc Trăng, nhiều đoàn thương nhân nước ngoài đã đến tìm hiểu, đặt hàng, đưa giá xuất khẩu gạo ST5 lên 700-730 USD/tấn, cao hơn các loại gạo % tấm khác từ 150-200 UDS/tấn. Tiềm năng nhu cầu thị trường tiêu thụ là không ít và nếu chúng ta xác định, cải thiện được nhu cầu của tất cả đối tác để tạo sự kết nối chặt chẽ và định hướng cho giá trị sản phẩm, thì việc nâng cấp chuỗi giá trị gạo ST5 thành công là không khó..

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết