13/11/2009 - 08:36

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất về việc nuôi con nuôi

* Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010
* Nhiều ý kiến cho rằng chưa nên thu thuế nhà ở

Sáng 12-11, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Nuôi con nuôi và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

Phần đầu buổi sáng, các đại biểu dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật Nuôi con nuôi. Đa số các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ em.

Về độ tuổi là trẻ em được nhận làm con nuôi: tại Điều 14 và Điều 30 của dự thảo Luật quy định: trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ đủ 15 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1). Như vậy, nếu quy định độ tuổi trẻ em như dự thảo Luật sẽ tạo ra xung đột pháp luật. Từ lý lẽ này, các đại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang)... đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật.

Trao đổi về điều kiện đối với người nhận con, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội ) tán thành với quy định người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Đại biểu Ngô Minh Hồng lại đề nghị cần quy định khoảng cách tuổi là 25 mới phù hợp. Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đề nghị người bị kết án mà chưa được xóa án tích cũng không thể là đối tượng được nhận nuôi con nuôi.

* Thời gian còn lại của buổi sáng các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010 với đa số phiếu tán thành. Theo đó, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau:

Tại kỳ họp thứ bảy: Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Chất vấn một số thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động quản lý chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học.

Tại kỳ họp thứ tám: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Chất vấn một số thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Giám sát chuyên đề Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

* Chiều 12-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật thuế nhà, đất.

Đại biểu Dao Nhiễu Linh, Trương Thị Ánh (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Hiến pháp quy định quyền cơ bản của con người là có nhà ở. Vì thế, không nên đánh thuế nhà ở đối với người chủ một căn nhà để phù hợp với Hiến pháp và vì không phải nhà lúc nào cũng sinh lợi để đóng thuế. Cũng về vấn đề này, đại biểu Vũ Quý Tỵ (Bình Dương), Nguyễn Văn Nọ (Long An) cùng có ý kiến chưa nên đặt vấn đề thu thuế nhà ở, vì hoạt động này rất phức tạp, khó thực hiện một cách công bằng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nếu tính thuế đất, cần áp dụng trên cơ sở diện tích giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Nhà nước cấp, không lấy căn cứ trên diện tích thực tế, để tránh trường hợp việc nộp thuế đất trở thành hợp pháp hóa diện tích đất chiếm dụng, sử dụng trái phép. Đại biểu Dương Hồng Sơn (Hà Nội) cùng có chung quan điểm trên khi cho rằng chưa nên thu thuế nhà ở, vì vấn đề này chưa nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội.

Đại biểu Trần Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, việc áp mức thuế như trong Dự luật là quá thấp và không thể đạt mục tiêu hạn chế đầu cơ. Dự luật cũng chỉ mới nói đến nhà ở, chưa tính đến trường hợp nhà cho thuê; nhà vừa ở vừa cho thuê hoặc nhà ở chỉ để cho thuê. Còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ như nhà cho thuê văn phòng, cửa hàng cửa hiệu có phải đóng thuế không, hay vì sao nhà ở phải đóng thuế mà nhà xây cho mục đích khác lại không được điều chỉnh trong luật này, hoặc nghĩa vụ nộp thuế đất là người sử dụng hay người sở hữu; chủ sở hữu có đất cho thuê thì người sử dụng trả hay người là chủ sở hữu trả tiền thuế đất vì hai chủ thể này trên thực tế có thể khác nhau.

QUỲNH HOA-XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết