16/04/2012 - 22:17

HUY ĐỘNG VỐN ODA CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Tạo khung chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Theo Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2006-2010, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong khi nhu cầu vay vốn ODA đầu tư cho phát triển ngày càng gia tăng thì các nguồn vốn này lại có xu hướng giảm. Thu hút và quản lý vốn ODA đang cần cách làm đột phá, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng, vừa an toàn nợ công quốc gia.

Khó trong thu hút vốn ODA

Thi công công trình nâng cấp hệ thống ống thoát nước từ đường Nguyễn Văn Cừ kéo dài đến hẻm 300 đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 

Trong giai đoạn 2006-2010, tình hình cam kết, ký kết và giải ngân vốn ODA tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực. Tổng vốn cam kết của các nhà tài trợ đạt trên 31,67 tỉ USD, vốn ODA đã ký kết đạt 20,61 tỉ USD, tổng vốn ODA giải ngân đạt 13,86 tỉ USD, bằng 67,25% vốn ký kết và cao hơn 11% so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án ODA 2006-2010. Trong đó, các lĩnh vực giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị chiếm 36,78% trong cơ cấu vốn ODA với 7,58 tỉ USD. Nguồn vốn ODA còn đóng góp quan trọng cho cân đối tài chính quốc gia, nhất là khi kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Việt Nam có 51 nhà tài trợ với 23 nhà tài trợ đa phương và 28 nhà tài trợ song phương. Trong đó, nhóm 6 ngân hàng phát triển gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KoreEximbank) và Ngân hàng Thế giới (WB) chiếm khoảng 80% giá trị các chương trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Các chương trình dự án ODA do các ngân hàng này tài trợ tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển nông nghiệp và nông thôn, giao thông vận tải, năng lượng điện, giáo dục đào tạo, y tế... Thời gian qua, sự phát triển của các địa phương cả nước có phần đóng góp rất lớn từ nguồn vốn ODA. Dù chính sách quản lý và thu hút vốn ODA còn nhiều bất cập, nhưng những dự án tài trợ bằng vốn ODA đã khẳng định tầm quan trọng trong thúc đẩy kinh tế- xã hội của các địa phương phát triển.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, trong cuộc họp triển khai Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều ý kiến cho rằng, cần chiến lược dài hơi để thực hiện đề án này. Ông Cao Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, cho biết: “Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, một số nhà tài trợ có thể chấm dứt chương trình cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam, hoặc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ODA theo hướng giảm mạnh nguồn viện trợ không hoàn lại, chuyển sang các khoản vay kém ưu đãi hơn, với các điều kiện vay theo lãi suất của thị trường tài chính thế giới”. Theo ông Cường, thời kỳ 2011-2015 và những năm tiếp theo, Việt Nam phải có cách tiếp cận phù hợp để thu hút, quản lý vốn vay chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, đảm bảo khả năng trả nợ. Bên cạnh việc tiếp xúc chính thức với nhà tài trợ, hoặc qua sự giới thiệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ chuyên ngành, các tỉnh, thành phố có thể tiếp xúc với các nhà tài trợ bên lề các hội nghị, hội thảo để tạo dựng quan hệ với nhà tài trợ.

Cần chính sách quản lý vốn ODA

Theo Vụ Kinh tế đối ngoại, thời kỳ 2011-2015, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6-6,5%/năm, Việt Nam cần huy động 250-260 tỉ USD tổng vốn đầu tư toàn xã hội, các nguồn vốn ngoài nước chiếm 20-25% tổng nguồn vốn đầu tư huy động. Dự kiến, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ thời kỳ này khoảng 32-34 tỉ USD, vốn giải ngân khoảng 14-16 tỉ USD. Ông Dương Đức Ưng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại cho biết, để thuận tiện giao dịch, các địa phương cần tìm hiểu thông tin liên quan đến các nhà tài trợ như: các tôn chỉ, mục đích, chương trình làm việc, các chính sách đối với Việt Nam để đưa ra các dự án phù hợp và chủ động hơn khi có nhu cầu vay. Ngoài ra, việc chuẩn bị bộ máy nhân sự, các bộ phận điều hành, quản lý dự án, các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện dự án cũng là điều kiện cần thiết, tạo độ tin cậy và ấn tượng tốt với nhà tài trợ.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, nợ công ở một số quốc gia châu Âu chưa giải quyết triệt để sẽ phần nào ảnh hưởng đến thu hút vốn ODA của Việt Nam. Mặt khác, khi đã tiếp cận được vốn ODA, các địa phương cần có chiến lược quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo tiến độ giải ngân và cam kết trả nợ. Theo ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, UBND thành phố vừa ban hành Quyết định “Về việc phê duyệt Đề cương Quy hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA thời kỳ 2011-2015 và định hướng đến 2020 trên địa bàn TP Cần Thơ”. Tính đến quý I/2012, nguồn vốn ODA của TP Cần Thơ giải ngân đạt 2,16 triệu USD và trên 31,6 tỉ đồng vốn đối ứng cho “Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ” và “Dự án Thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ”. Thành phố đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phục vụ cho sự phát triển và rất cần vốn. Do vậy, thành phố xác định mục tiêu và những chương trình, dự án ưu tiên thu hút ODA. Về lâu dài, để huy động được các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển, TP Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ từ Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong việc cung cấp thông tin, tìm kiếm nhà tài trợ.

Thời kỳ 2011-2015, khả năng thu hút vốn ODA sẽ khó khăn hơn. Theo ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, khi tranh thủ được các nguồn vốn ODA, các địa phương cần xem đây là chất xúc tác cho phát triển chứ không phải để bù đắp vào thâm hụt ngân sách. Bằng nguồn vốn này, các bộ ngành và các địa phương cần tập trung đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó làm nền tảng thu hút đầu tư tư nhân cũng như đầu tư FDI trên các lĩnh vực.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết