27/06/2021 - 12:12

Tạo hấp lực mới thu hút đầu tư vào Cần Thơ 

Trong 5 năm (2016-2020), TP Cần Thơ có thêm 7.115 doanh nghiệp (DN) thành lập mới. Đến cuối năm 2020, thành phố có 9.300 DN và 2.050 chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố đã được cải thiện ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Song, làm thế nào để tạo lực đẩy trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này.

* Trong 5 tháng đầu năm 2021, thành phố có thêm 610 DN gia nhập thị trường, vốn đăng ký tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ông nhận định gì về môi trường đầu tư của thành phố?

- Số liệu đăng ký DN 5 tháng đầu năm nay có thể nhận thấy hoạt động của các DN đã có những dấu hiệu tích cực, DN có niềm tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn. Ngoài ra, những DN có ý định thành lập DN năm 2020 nhưng do việc giãn cách xã hội làm hoãn thời gian, nên số lượng này chuyển sang năm 2021 dẫn đến số DN gia nhập thị trường và vốn đăng ký đều tăng rất nhiều. Điều này còn nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và những chính sách, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, nên hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi. 

Trong vài năm gần đây, thành phố thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý về đầu tư trên địa bàn thành phố, như: Tập đoàn Vingroup, Novaland, Tập đoàn Mường Thanh. Các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như: Tập đoàn Marubeni, Công ty CP phát triển khách sạn Wink Bến Ninh Kiều... Một số nhà đầu tư tiềm năng bước đầu đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thành phố (Tập đoàn T&T, Sovico, Hòa Phát, Ruby, các quỹ đầu tư nước ngoài Philux Global Funds...).

Sở KH&ĐT cùng các ngành, địa phương luôn nỗ lực tìm những giải pháp để khu vực ngoài ngân sách phát triển nhanh và mạnh hơn nữa. Sở đã và đang tập trung rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh các quy hoạch (quy hoạch phát triển thành phố, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất), tạo thế chủ động, giải quyết nhanh khi nhà đầu tư tiếp cận, đề xuất dự án đầu tư. Đồng thời rà soát, hoàn chỉnh danh mục mời gọi đầu tư các dự án có sử dụng đất trong giai đoạn tới. Công khai dự án đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát có sự tham gia của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở về hoạt động, tiến độ đầu tư đối với các dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm đôn đốc, nhắc nhở đảm bảo thực hiện theo tiến độ cam kết, không để tình trạng dự án kéo dài gây ảnh hưởng đến người dân, môi trường và DN... Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, công khai, bình đẳng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển.

DN Malaysia và Singapore tìm hiểu hoạt động tại Công ty CP Thủy sản NTSF (Khu Công nghiệp Thốt Nốt). Ảnh: M.HUYỀN

DN Malaysia và Singapore tìm hiểu hoạt động tại Công ty CP Thủy sản NTSF (Khu Công nghiệp Thốt Nốt). Ảnh: M.HUYỀN

* Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, Cần Thơ xếp thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI mới. Đây là dự án tỉ đô lớn nhất trên địa bàn. Thưa ông, Sở đã có kế hoạch tham mưu cho thành phố như thế nào để tạo động lực tăng trưởng mới?

- Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2020 (liên danh giữa Tổng Công ty CP TMXD - Việt Nam và Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản, vốn 1,3 tỉ USD). Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đầu năm 2021, tiến độ đăng ký dự kiến hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2024-2025.

Tháng 3-2021, Sở KH&ĐT đã làm việc với đại diện các nhà đầu tư, các sở ngành và đơn vị liên quan để nhà đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án và hướng dẫn, trao các thủ tục có liên quan (đất đai, xây dựng,...). Thông qua buổi làm việc, các bên liên quan đã trao đổi các bước tiếp theo để dự án nhanh chóng triển khai. Sở đã đề nghị nhà đầu tư đảm bảo tiến độ đã đăng ký theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa hỗ trợ các nhà đầu tư chuẩn bị các thủ tục thành lập DN triển khai dự án theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở KH&ĐT đã góp ý điều chỉnh dự án đường dẫn khí lô B (do Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Đây là dự án cần hoàn thành đồng bộ với dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II để vận hành đúng tiến độ đã đăng ký. Đồng thời, tham mưu UBND thực hiện thu hút đầu tư các dự án cung cấp khí để Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II hoạt động bình thường trong trường hợp dự án đường dẫn khí lô B hết khí. Sở cũng theo dõi tình hình triển khai của dự án qua các báo cáo tiến độ của nhà đầu tư hằng tháng để tham mưu UBND thành phố, cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn; sớm đưa dự án đi vào hoạt động, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng ĐBSCL.

* Thưa ông, hậu kiểm đầu tư là công tác rất quan trọng nhằm đảm bảo lành mạnh môi trường đầu tư. Sở KH&ĐT có kế hoạch gì cho công tác này?

- Hằng năm, Sở đều xây dựng và triển khai công tác rà soát, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện dự án; báo cáo UBND thành phố tình hình thực hiện và kịp thời đề xuất giải pháp cụ thể đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở đã thực hiện kiểm tra rà soát được 49/70 dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Sở. Sau khi tổng hợp số liệu sẽ phân nhóm về tiến độ thực hiện để có giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho từng dự án. Cụ thể: Đối với những dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tích cực đôn đốc để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với các dự án đã được gia hạn thời gian thực hiện, theo dõi chặt chẽ tiến độ và các nội dung đã cam kết của nhà đầu tư. Đối với các dự án chậm tiến độ, có chủ trương nhiều năm chưa phát sinh khối lượng, mạnh dạn đề xuất UBND thành phố xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đúng quy định. Đối với các dự án đầu tư công triển khai chậm tiến độ, nguồn vốn đầu tư được bố trí hằng năm sẽ được rà soát, điều chuyển sang cho các dự án có tiến độ triển khai thực hiện tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, nhất là đề nghị UBND các quận, huyện tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục về đất đai, xây dựng. Chủ động nắm chắc tình hình thực hiện của các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý theo thẩm quyền và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm, kiến nghị thu hồi các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm do lỗi của nhà đầu tư...

Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, dự kiến trong quý III-2021 Sở sẽ thực hiện Kế hoạch kiểm tra các dự án, trong đó tập trung vào các dự án không thực hiện báo cáo tình hình thực hiện hằng tháng theo quy định và các dự án không liên lạc được với nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, Sở sẽ tiến hành các bước tiếp theo để thu hồi, chấm dứt dự án theo quy định.

* Cảm ơn ông!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết