07/10/2021 - 16:53

Tạo hấp lực mới để giữ chân nhà đầu tư FDI 

Trong 9 tháng năm 2021, tác động của dịch COVID-19 làm cho đầu tư tư nhân tăng thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm, nhiều nhà đầu tư có ý định tăng vốn cũng đã tạm dừng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam lỡ nhịp trong mở cửa khôi phục kinh tế các tháng cuối năm, đà phục hồi chậm thì xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp (DN) FDI sẽ diễn ra mạnh hơn.

Thách thức từ đại dịch

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy FDI ngưng hoặc giảm công suất hoạt động, nên tỷ lệ giải ngân vốn FDI giảm. Trong 9 tháng, ước tính các dự án FDI giải ngân được 13,28 tỉ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm phần trăm so với tháng 8-2021. Về vốn đăng ký mới, cả nước có 1.212 dự án FDI mới, giảm 37,8% so cùng kỳ, vốn đăng ký gần 12,5 tỉ USD, tăng 20,6% so cùng kỳ. Ngoài ra có 2.830 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 6,4 tỉ USD, tăng 25,6% so cùng kỳ. Về góp vốn, mua cổ phần giảm đến 45,3% về số lượt (chỉ có 2.830 lượt), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỉ USD, giảm đến 43,8% so cùng kỳ năm 2020. Tính chung cả vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần trong 9 tháng, Việt Nam thu hút 22,15 tỉ USD, chỉ tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2020.

Hiện cả nước có 34.141 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký 403,19 tỉ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỉ USD. Khu vực kinh tế FDI hiên chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Giai đoạn 2011-2015, khu vực FDI chiếm tỷ trọng khoảng 65,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; giai đoạn 2016-2020 chiếm 71,5% và trong 9 tháng năm 2021 là 73,4%.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, phân tích: Dòng chảy thương mại đầu tư trên phạm vị toàn cầu đang có chiều hướng đảo chiều. Rủi ro của dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng đã diễn ra. Hiện các nước lớn như Mỹ, một số quốc gia châu Âu đang kêu gọi các nhà đầu tư của họ trở về đầu tư tại nước nhà. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, ít sử dụng lao động và nó sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Nền kinh tế Việt Nam dựa trên cơ sở tài nguyên, lao động rẻ và chủ yếu gia công xuất khẩu sẽ gặp các bất lợi trong thời gian tới, nên cần tính toán để vượt qua thách thức.

TS Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nêu các thách thức có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm, đó là các tập đoàn FDI đa quốc gia chuyển đơn hàng sản xuất cho dịp lễ cuối năm từ Việt Nam sang các nền kinh tế khác nếu Việt Nam không thích ứng và mở cửa phục hồi kinh tế bền vững. Các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đều đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021, nhưng vẫn còn quá lạc quan. Bởi vì 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây là dựa vào xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa và đầu tư. Nhưng năm 2020 và 9 tháng năm 2021 đầu tư FDI vào Việt Nam giảm so với 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sang năm 2022 nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn những bất trắc trước đại dịch COVID-19, các nền kinh tế sẽ có sự tăng trưởng không đồng đều, những nước không đáp ứng được yêu cầu thích ứng an toàn, sống chung với dịch bệnh sẽ càng khó hơn. Đối với Việt Nam, do tính đa dạng của thị trường thấp, nên việc mất nhiều đơn hàng xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng, song DN vẫn có thể kỳ vọng vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Năm 2022 mở cửa mạnh theo thích ứng an toàn và bình thường mới, Việt Nam sẽ đón nhận được FDI với các cam kết mới, giải ngân sẽ khó hơn nhưng vẫn còn kỳ vọng.

Biều đồ: G.B (Nguồn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Giữ chân nhà đầu tư FDI

TS Vũ Tiến Lộc cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 đã làm cho nhiều dự án kinh doanh đã phải dừng lại, một số đơn hàng FDI đã chuyển đi (khoảng 2% đơn hàng của những nhãn hàng lớn đã chuyển đi) và sẽ tiếp tục chuyển đi nếu chúng ta không khôi phục được sản xuất. Các tháng cuối năm là mùa mua sắm và cũng là lúc các DN tính toán phương án sản xuất kinh doanh cho năm 2022. Nếu chúng ta không mở cửa kinh tế, chắc chắn sẽ không nhận được đơn hàng. Chúng ta đang lỡ nhịp, trong khi các nước trong khu vực của ASEAN đang phục hồi và gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới. Với thông điệp Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra là “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ an tâm hơn để tiếp tục đầu tư. Vấn đề còn lại các chính sách cho các nhà đầu tư FDI.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến dòng chảy đầu tư FDI vào Việt Nam, thì còn có việc chắc lọc dự án đầu tư cũng làm vốn FDI tăng chậm lại. Nhưng đây là vấn đề khá tích cực, Việt Nam đang thay đổi chính sách thu hút đầu tư, các địa phương không còn chạy theo các nhà đầu tư FDI, mà đã thận trọng hơn, chọn lọc hơn để nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và để các nhà đầu tư FDI có thể liên kết được với các nhà đầu tư trong nước tạo sự phát triển mạnh hơn. Hiện có nhà đầu tư chỉ coi Việt Nam là thị trường bổ trợ cho họ, thị trường chính được đặt ở nước khác, nhưng cũng có những nhà đầu tư FDI đã chọn Việt Nam là “đại bản doanh của mình” như Samsung, thì cần có chính sách khác cho họ. Đầu tư nước ngoài vẫn là động lực cho nền kinh tế Việt Nam những năm tới. Song, muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam cần nâng cao năng lực và phát triển DN nội địa để tạo trục phát triển song song với đầu tư nước ngoài, nhằm giảm phụ thuộc.

Cuối tháng 9-2021, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng”, tham gia tọa đàm, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua khảo sát DN châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh. DN Hàn Quốc cũng có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam và DN Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh và tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh. Đây là những tín hiệu tích cực khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh, chúng ta thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài nhưng không thu hút bằng mọi giá, mà chú trọng vào chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI từ xu hướng đa dạng hóa và tái định vị sản xuất thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa. Trong đó nhà đầu tư FDI cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số… Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, mục tiêu đặt ra đến 2025 có khoảng 1.000 DN làm công nghiệp hỗ trợ đủ cung cấp cho các DN, tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2030, sẽ có 2.000 DN làm công nghiệp hỗ trợ để tạo sự liên kết DN khối nội và khối ngoại chặt chẽ hơn.

Biều đồ: G.B (Nguồn số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

ĐBSCL có 1.827 dự án FDI còn hiệu lực

Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng năm 2021, vùng ĐBSCL có 10/13 tỉnh, thành có dự án FDI mới, với 67 dự án, vốn đăng ký trên 4,93 tỉ USD. Ngoài ra còn 64 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và 83 lượt vốn góp mua cổ phần. Tổng vốn cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần trong 9 tháng ĐBSCL thu hút trên 5,21 tỉ USD. Long An là địa phương dẫn đầu với 3,63 tỉ USD và TP Cần Thơ xếp vị trí thứ 2 với 1,31 tỉ USD.    

Tính đến 20-9-2021, toàn vùng có 1.827 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 33,52 tỉ USD.


GIA BẢO

Chia sẻ bài viết