28/05/2020 - 11:24

Tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài 

Quốc hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Mới đây, Bộ môn Luật Thương mại, Khoa luật Trường Đại học Cần Thơ, tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: S.H

Quy định về chủ thể đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam

Theo Tiến sĩ Cao Nhất Linh, Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, pháp luật về đầu tư là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thế nhưng, một số bất cập trong Luật Đầu tư hiện hành vẫn chưa được dự thảo Luật Đầu tư năm 2020 khắc phục.

Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 định nghĩa “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Định nghĩa này vẫn được ghi nhận tại Dự thảo Luật Đầu tư năm 2020. Với định nghĩa này, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được quyền đầu tư thành lập, tham gia thành lập công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh mà không được thành lập doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Việc không cho phép người nước ngoài đầu tư thành lập DNTN cũng được gián tiếp quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014.

Tính trách nhiệm vô hạn của chủ DNTN có thể là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể thành lập DNTN tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu vậy thì không hợp lý và không thống nhất giữa các quy định trong Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, khoản 5 Điều 21 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thừa nhận nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, vẫn có quyền làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Điều này đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài, đầu tư với tư cách là thành viên hợp danh của công ty hợp danh thì cũng phải “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty” (theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 172) và cũng phải “liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty” (theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 176). Những quy định này vẫn giữ nguyên nội dung trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2020.

Như vậy, nếu xét trách nhiệm về tài sản thì có thể kết luận là thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm về tài sản nhiều hơn chủ DNTN. Bởi vì, ngoài trách nhiệm vô hạn như chủ DNTN thì thành viên hợp danh của công ty hợp danh còn phải chịu trách nhiệm liên đới với các thành viên hợp danh khác đối với các nghĩa vụ của công ty. Do đó, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nên quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp” để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài làm chủ DNTN.

Thủ tục đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập mới doanh nghiệp

Theo luật sư Võ Hoàng Tâm, Công ty Luật hợp danh Cilaf & Partners, Luật Đầu tư năm 2014 tách biệt giữa Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư sẽ tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp. Điều 23 Luật Đầu tư 2014 quy định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, vẫn còn điểm chưa rõ là tổ chức kinh tế sở hữu vốn điều lệ trực tiếp hay gián tiếp. Do đó, kiến nghị trong trường hợp này, pháp luật cần quy định chỉ thực hiện  thủ tục đầu tư đối với trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu trực tiếp từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Ngoài ra, còn một số ý kiến kiến nghị bỏ quy định điều kiện có dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tất cả các trường hợp (quy định tại Khoản 1, Điều 22 của Luật Đầu tư năm 2014), giao về cho cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra, chấp thuận cho thành lập, tham gia thành lập khi nhà đầu tư đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định. Bên cạnh đó, Luật chưa có quy định đảm bảo đầu tư đối với ngành nghề mà nhà đầu tư đang kinh doanh, nhưng bị tăng điều kiện kinh doanh hoặc bị cấm kinh doanh (thay đổi pháp luật dẫn đến nhà đầu tư bị tăng điều kiện tiếp cận thị trường hoặc chưa được tiếp cận thị trường). Vì vậy, kiến nghị sửa đổi theo hướng “Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện tiếp cận thị trường thấp hơn điều kiện tiếp cận thị trường mà nhà đầu tư được áp dụng trước đó thì nhà đầu tư được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian còn lại của dự án. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định điều kiện tiếp cận thị trường cao hơn điều kiện tiếp cận thị trường mà nhà đầu tư được áp dụng trước đó hoặc quy định nhà đầu tư chưa được tiếp cận thị trường thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng các quy định trước đó cho thời gian còn lại của dự án”…

S.Hà (ghi)

Chia sẻ bài viết