15/04/2023 - 10:58

Tạo chuyển biến trong xây dựng chính quyền điện tử 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử còn một số hạn chế: cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm chưa kết nối đồng bộ, gây khó khăn khi giao dịch; cơ sở vật chất phục vụ CĐS còn thiếu; một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của CĐS. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để việc xây dựng chính quyền điện tử thực chất và hiệu quả hơn.

Những gam màu sáng

Tổ giúp việc đoàn kiểm tra CCHC TP Cần Thơ kiểm tra việc xử lý TTHC trên môi trường mạng tại Sở Công Thương TP Cần Thơ.

Tổ giúp việc đoàn kiểm tra CCHC TP Cần Thơ kiểm tra việc xử lý TTHC trên môi trường mạng tại Sở Công Thương TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, quý I-2023, thành phố triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến cuối tháng 3, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình điện tử để tổ chức kiểm thử, tích hợp 1.539 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 84,7%. Trong đó, có 374 dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Việc thanh toán trực tuyến phí/lệ phí, thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng tăng. Trong quý I, đã phát sinh 4.011 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công, trong đó có 1.050 giao dịch lĩnh vực nộp thuế đất (giá trị khoảng 5,92 tỉ đồng), 2.955 giao dịch thanh toán phí/lệ phí. Tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 37,11%.

Sở Công Thương là đơn vị có nhiều giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn chức năng lập hồ sơ công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản cho 47/55 công chức, viên chức; tỷ lệ văn bản đi được ký số đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt rất cao - 98%. Tại buổi làm việc của đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) thành phố với Sở Công Thương thành phố, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở, cho biết: “Trên cơ sở phân tích, đánh giá của đoàn kiểm tra và các hội nghị phân tích chỉ số CCHC, Ban Giám đốc Sở bàn bạc tìm giải pháp khắc phục với mục tiêu không chỉ cải thiện các điểm số, mà quan trọng hơn là phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”. Từ đó, Sở đã phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác CCHC trong cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ qua nền tảng trực tuyến.

Cục Thuế TP Cần Thơ đang sử dụng phần mềm chuyên ngành gồm 33 ứng dụng nội bộ ngành và 13 ứng dụng để phối hợp công việc bên ngoài. Hạ tầng truyền thông do Bộ Tài chính thuê 2 kênh truyền sử dụng riêng biệt để truyền dữ liệu; tất cả hồ sơ TTHC được giải quyết trên môi trường mạng. Cục Thuế thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về hóa đơn điện tử, ứng dụng nộp thuế điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh (Etax Mobile) phục vụ người dân kê khai và nộp thuế.

Đối với khối quận, huyện, quận Ô Môn có nhiều giải pháp hiệu quả thúc đẩy CĐS phục vụ người dân. Đầu năm 2023, quận triển khai và nhân rộng sáng kiến quét mã QR trên điện thoại di động để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán phí, lệ phí trực tuyến. Khi thực hiện TTHC, người dân và doanh nghiệp có thể quét mã QR thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thanh toán phí, lệ phí trực tuyến đối với các lĩnh vực ưu tiên: tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội. Tất cả kết quả giải quyết TTHC được số hóa, người dân và doanh nghiệp không phải nộp lại hồ sơ đối với TTHC đã thực hiện trước đó.

Cần giải pháp đột phá

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra CCHC thành phố tại 7 đơn vị, địa phương vào cuối tháng 3-2023, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử còn nhiều khó khăn. Các nền tảng phục vụ công tác quản lý, điều hành trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa được kết nối đồng bộ; thiết bị công nghệ thông tin tại nhiều cơ quan, đơn vị đã cũ, cấu hình thấp, chưa đáp ứng yêu cầu CĐS. Có quá nhiều phần mềm từ chuyên ngành đến phần mềm dùng chung, trong khi thông tin giữa các phần mềm chưa được kết nối, tích hợp, khiến cán bộ, công chức mất nhiều thời gian xử lý. Đơn cử như Sở Y tế vẫn chưa ban hành kế hoạch CĐS năm 2023; công chức, viên chức chưa thực hiện việc tạo lập, xử lý văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản; chưa thực hiện ký số 2 lớp khi phát hành văn bản đi. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến chỉ đạt 8%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình chỉ đạt 10%. Đoàn kiểm tra CCHC thành phố đề nghị đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC; khai thác chức năng tra cứu thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC và ký số kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh triển khai khám bệnh từ xa, sổ sức khỏe điện tử...

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đặc thù hồ sơ lĩnh vực này rất nhiều, trong khi trang thiết bị phục vụ công tác và ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC (số hóa hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán nghĩa vụ tài chính trên môi trường mạng) đa số đã cũ, có cấu hình thấp, tốc độ xử lý chậm. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp; tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn được ghi nhận trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến vẫn còn cao.

Ở quận Cái Răng, một số hồ sơ lĩnh vực tư pháp và đăng ký kinh doanh, công chức chưa khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đoàn kiểm tra CCHC thành phố đề nghị UBND quận chỉ đạo các phường xây dựng, ban hành kế hoạch CĐS năm 2023, tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong xử lý văn bản đi, gửi văn bản liên thông và thực hiện ký số 2 lớp; đẩy mạnh sử dụng các phần mềm chuyên ngành trong giải quyết TTHC cho người dân.

TP Cần Thơ sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các phần mềm nhằm thúc đẩy CĐS trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Để việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt hiệu quả và thực chất, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó nhận thức và vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn là yếu tố then chốt, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại.

Chia sẻ bài viết