Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, những năm qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và đạt được nhiều thành quả quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Ðáng chú ý là việc chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện hiệu suất, giảm chi phí và tăng trải nghiệm khách hàng. Thời gian tới, ngành Ngân hàng xác định tiếp tục lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, góp phần hướng tới mục tiêu lớn hơn là phát triển nền kinh tế số toàn diện của đất nước.

Ngân hàng Techcombank giới thiệu các giải pháp tài chính - ngân hàng số đến với khách hàng, doanh nghiệp tại một sự kiện tổ chức trên địa bàn thành phố.
Số hóa quy trình lõi
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số thông qua việc ban hành nhiều chính sách như Quyết định số 810/QÐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đổi mới sáng tạo; đồng thời rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số...
Năm 2023, ngành Ngân hàng đặt nền móng số hóa quy trình lõi, khai thác dữ liệu quốc gia để định danh chính xác khách hàng. Năm 2024 tiếp tục tiên phong kết nối hệ sinh thái liên ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách toàn diện. Năm 2025, ngành Ngân hàng cụ thể hóa nhiệm vụ tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng.
Ông Trần Quốc Hà, quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực XIV, cho biết: “Với những nỗ lực nói trên, ngành Ngân hàng ghi nhận những kết quả bước đầu đáng khích lệ: 100% ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Cần Thơ (cũ) đã cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử như internet banking, mobile banking, QR Pay, ví điện tử; tỷ lệ giao dịch số chiếm trên 85% tổng số giao dịch tại nhiều ngân hàng. Hơn 90% người dân trong độ tuổi lao động tại khu vực đô thị có tài khoản thanh toán và ở khu vực nông thôn con số này tiệm cận 75%. Một số ngân hàng đã triển khai ứng dụng định danh điện tử (eKYC), tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia (VNeID) giúp người dân dễ dàng mở tài khoản và tiếp cận dịch vụ”.
Là một trong những ngân hàng tiên phong số hóa tại Việt Nam, Techcombank đã đầu tư mạnh mẽ vào dữ liệu, AI, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam Techcombank, khẳng định: “Techcombank theo đuổi chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm. Với hệ sinh thái tài chính vững mạnh, chúng tôi cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương, không chỉ bằng các giải pháp tài chính hiện đại mà còn bằng tri thức, công nghệ và sự kết nối cùng các đối tác uy tín, các công ty trong hệ sinh thái để gia tăng giá trị và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Techcombank hiện phục vụ hơn 15 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp thông qua nền tảng ngân hàng số và ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động, cũng như mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng khắp trên cả nước".
Ðảm bảo an ninh, an toàn
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, cản ngại như hạ tầng số tại một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn yếu, tốc độ Internet và độ phủ sóng chưa ổn định. Một số tổ chức tín dụng còn hạn chế trong việc đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại; nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin còn hạn chế dẫn đến rủi ro khi sử dụng dịch vụ số…
Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển đổi số ngân hàng phát huy hiệu quả cao hơn, cần ban hành quy định cụ thể về bảo mật dữ liệu ngân hàng, đảm bảo tiêu chuẩn an ninh mạng và quy trình quản lý rủi ro. Hệ thống pháp lý cũng phải yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao tính toàn vẹn và bảo mật. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng, thiết lập quy trình giải quyết tranh chấp và quy định về bảo vệ quyền riêng tư; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để đối phó với tội phạm công nghệ cao...
Với tầm nhìn “Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống”, bà Nguyễn Thị Lộc cho biết, Techcombank tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh tại phía Nam tổ chức các hội thảo chuyên sâu và mang đến các giải pháp tài chính vượt trội không chỉ thể hiện ở việc hiện đại hóa các dịch vụ ngân hàng mà còn kiến tạo giá trị dài hạn cho khách hàng doanh nghiệp, đồng hành cùng họ phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh mới.
Ðặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Lộc, Techcombank giới thiệu các giải pháp tài chính - ngân hàng số được thiết kế riêng biệt cho doanh nghiệp Cần Thơ trong các lĩnh vực chủ lực như nông nghiệp công nghệ cao, logistics, chế biến xuất khẩu và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra còn có các gói vay trung và dài hạn linh hoạt hỗ trợ đầu tư thiết bị tự động hóa, chuyển đổi mô hình sản xuất thông minh, triển khai dự án đổi mới công nghệ - với thời hạn vay lên đến 10 năm, lãi suất cạnh tranh, chính sách giải ngân tối ưu theo từng ngành nghề. Cùng với đó, Techcombank Business - nền tảng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp, tích hợp từ thanh toán, quản lý dòng tiền đến tài trợ thương mại và đầu tư - giúp doanh nghiệp quản trị vận hành tài chính một cách hiệu quả và an toàn.
Có thể thấy, chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Ông Trần Quốc Hà, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, Ngân hàng và doanh nghiệp cần đồng hành để tạo ra hệ sinh thái tài chính số an toàn, hiệu quả, thông minh. Ngân hàng Nhà nước khu vực XIV tiếp tục bám sát Quyết định số 810/QÐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngân hàng, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tuyên truyền, phổ cập dịch vụ tài chính số đến vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Ðồng thời, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai eKYC, xác thực VNeID, khai thác dữ liệu dân cư để nâng cao hiệu quả định danh khách hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh toán điện tử, đảm bảo an ninh - an toàn - bảo mật thông tin cho người dân…”.
Bài, ảnh: MỸ THANH