Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO
Qua thời gian thực hiện mô hình Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới tại xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ, đội ngũ cán bộ, công chức và người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới (BÐG)… Qua đó, góp phần quan trọng trong tuyên truyền về BÐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.
Hội Phụ nữ xã Thới Đông tuyên truyền quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân trong xã.
Các ban, ngành, đoàn thể xã Thới Ðông thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BÐG, vì sự tiến bộ phụ nữ đến cán bộ, hội viên và người dân địa phương. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ chọn xã Thới Ðông triển khai Ðề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời ra mắt mô hình Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới, năm 2017.
Quá trình thực hiện, UBND xã Thới Ðông đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình và thành lập 6 câu lạc bộ (CLB) ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới; 6 tổ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại 6 ấp và 6 địa chỉ tin cậy trong toàn xã. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các ban, ngành, đoàn thể xã đã tổ chức 5 cuộc hòa giải, trong đó hòa giải thành 4 cuộc. UBND xã Thới Ðông vận dụng nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia học tập, lao động và công tác, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Mô hình này được đánh giá thực hiện đạt kết quả khá tốt, giúp nâng cao nhận thức của người dân tại địa bàn dân cư về BÐG, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã nông thôn mới.
Theo ông Võ Minh Ðức, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai và thực hiện tốt kế hoạch, hướng dẫn của trên về mô hình Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã. Qua đó, lồng ghép hoạt động thực hiện mô hình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó, ưu tiên cho sự phát triển của phụ nữ, nhất là những lĩnh vực nữ tham gia còn hạn chế. Ðẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng các quy định về BÐG và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ… Ðồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt Tháng Hành động vì BÐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhằm thực hiện đạt các mục tiêu Chiến lược quốc gia BÐG nói chung và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã Thới Ðông nói riêng. Ðịa phương kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình và thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, phương pháp tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác BÐG, vì sự tiến bộ phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở xã, ấp; tăng cường kiểm tra và hướng dẫn, giúp đỡ địa phương thực hiện các mục tiêu BÐG, kịp thời có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ, toàn huyện hiện có 74 CLB phòng, chống bạo lực gia đình, 56 địa chỉ tin cậy. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN các cấp đã quyết định thành lập và ra mắt 11 CLB xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch”; phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức 2 buổi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình... Tới đây, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp Hội cơ sở phối hợp các phòng, ban tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BÐG, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình cho các đơn vị cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.l