(CTO) - Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Sự phục hồi tăng trưởng trong các ngành sản xuất, dịch vụ hướng tới xuất khẩu và nông nghiệp ổn định sẽ giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn.
Sản xuất phục hồi tích cực
Theo báo cáo S&P Global vừa công bố, tháng 6-2024 Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt mốc 54,7 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Chỉ số PMI vượt ngưỡng 50 điểm, cũng đánh dấu ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh vào cuối quý II. Các điều kiện kinh doanh cũng cải thiện đáng kể, phản ánh sản lượng và đơn hàng mới gia tăng thời điểm giữa năm.
“Trên thực tế, mức cải thiện các điều kiện hoạt động là một trong hai mức mạnh nhất kể từ tháng 11-2018, tương đương với các mức ghi nhận trong tháng 4-2021 và tháng 5-2022” - báo cáo của S&P Global nêu.
Đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng, động lực mới cho ngành sản xuất Việt Nam. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Meko - TP Cần Thơ.
Khảo sát của S&P Global cũng ghi nhận, tháng 6, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2-2022 đến nay. Số đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với các mức tăng của sản lượng sản xuất và tháng 6 ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 5 năm qua.
Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Andrew Harker, bình luận: “Ngành sản xuất Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm. Mức độ tăng mạnh số đơn hàng mới đã làm bộc lộ tình trạng thiếu nhân viên ở một số công ty. Trước tình hình này, các công ty đã tuyển thêm nhân viên. Đi cùng với mức tăng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, nhất là chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng thành mức cao của 2 năm”.
Ngoài tăng giá đầu vào thì khảo sát tháng 6 cũng cho thấy, mức tăng giá bán hàng đã được ghi nhận trong tháng 2 liên tiếp. Hơn nữa, tồn kho sau sản xuất đã giảm nhiều nhất trong 3 năm. Thời gian giao hàng dù được rút ngắn lần đầu tiên kể từ đầu năm 2024 đến nay, nhưng mức cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là nhỏ khi vẫn có những khó khăn trong khâu vận tải biển quốc tế…
❝ Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.
+ Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra), tăng trưởng quý III là 6,5% và quý IV là 6,6% (kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,7% và 7%).
+ Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4% và quý IV là 7,6% cao hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,7% và 0,6%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chọn kịch bản 1.
|
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng triển vọng của các điều kiện kinh doanh thuận lợi tiếp tục hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng ngành sản xuất trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh đạt mức cao của 3 tháng khi có khoảng một nửa số trả lời khảo sát dự báo tăng trưởng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,93% so cùng kỳ; 6 tháng tăng 6,42% vượt cận trên kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6%). Nếu đà tăng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).
Các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5-1,0 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Việt Nam cần tăng lực đẩy cho các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu này.
Tăng lực đẩy cho các động lực tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm nay, các động lực tăng trưởng từ phía cung chuyển biến tích cực. Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng tăng 7,54%; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số rút khỏi thị trường. Các động lực từ phía cầu phục hồi tích cực hơn: vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 6,8%; vốn FDI mới tăng 46,9% so cùng kỳ; xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2023.
Để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát hơn 30.500 doanh nghiệp, kết quả có 29.300 doanh nghiệp trả lời (doanh nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến - chế tạo, thương mại - dịch vụ) cho thấy, quý II phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó về đầu ra. Cụ thể, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao” là 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tỷ lệ lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng doanh nghiệp xây dựng, có 46,9% doanh nghiệp gặp khó do “không có hợp đồng xây dựng mới”. Từ thực tế này, doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị các cấp thẩm quyền tăng cường hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp vượt khó.
Tại thời điểm tháng 6-2024, các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Fitch Rating (FR), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó. Điều này cho thấy, triển vọng kinh tế toàn cầu đã lạc quan hơn nhờ sự phục hồi của thương mại toàn cầu và cũng tác động tích cực đến sự phục hồi, tăng trưởng của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế WB, IMF, ADB và OECD cũng nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lần lượt ở các mức: 5,5%; 5,8%; 6% và 6% cao hơn năm 2023 từ 0,5-1 điểm phần trăm. Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Việt Nam và Philippines đạt tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng 6% năm 2024.
OECD cũng khuyến cáo, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam có thể giải quyết nguy cơ chậm trễ trong giải ngân đầu tư công thông qua việc đơn giản hóa các thủ hành chính. Những cải thiện về chính sách kinh tế vĩ mô, hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện hơn và cải cách tài chính có thể giúp Việt Nam tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc.
IMF cho rằng, Việt Nam cần thắt chặt thêm chính sách kinh tế vi mô, chính sách tiền tệ trước diễn biến lạm phát, tiếp tục cải thiện khả năng kết nối để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
ADB nhận định, năm 2024 đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nền kinh tế.
WB cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong nước, bao gồm kéo dài thời gian giảm thuế VAT, phí, lệ thí, giảm lãi suất cho vay… để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
GIA BẢO