22/04/2018 - 17:37

Tăng tốc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững 

Ban Chỉ đạo Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) TP Cần Thơ vừa có cuộc họp rà soát tình hình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án trong năm 2018. Năm nay, Cần Thơ được phân bổ nguồn vốn khá lớn, thành phố quyết tâm giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch, nhằm tăng thêm lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất lúa cho nông dân.

Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Dự án VnSAT TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư 15,05 triệu USD (tương đương 323,66 tỉ đồng); trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 9,75 triệu USD (tương đương 209,69 tỉ đồng), vốn đối ứng thành phố hơn 1,83 triệu USD (tương đương hơn 39,51 tỉ đồng), vốn tư nhân do nông dân và doanh nghiệp tham gia dự án đóng góp hơn 3,46 triệu USD (tương đương hơn 74,45 tỉ đồng). Mục tiêu của dự án góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Cần Thơ đã xây dựng vùng thực hiện Dự án VnSAT với quy mô 32.907 ha, 27.650 nông hộ tham gia nhằm gia tăng 30% lợi nhuận cho nông dân thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; giảm tác động tiêu cực tới môi trường…

Dự án VnSAT thúc đẩy nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, tăng thêm thu nhập. Trong ảnh: Dự án VnSAT tổ chức mô hình ruộng canh tác theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tại huyện Thới Lai. 

Dự án VnSAT TP Cần Thơ đã tổ chức 19 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông và bảo vệ thực vật, với 380 học viên tham gia. Tính đến tháng 4-2018, dự án đã mở được 550 lớp đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, với 24.314 lượt nông dân tham gia, diện tích 31.052 ha. Việc áp dụng kỹ thuật canh tác này đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trên 4 triệu đồng/ha (giảm lượng giống gieo sạ, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), gia tăng lợi nhuận trên 6 triệu đồng/ha so với so với ruộng sản xuất theo tập quán nông dân.

Trên địa bàn thành phố, 3 huyện trọng điểm trồng lúa (gồm Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai) và quận Thốt Nốt triển khai Dự án VnSAT. Từ những kết quả đạt được thời gian qua, Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ đề ra mục tiêu năm 2018 có 13.100 lượt nông dân hưởng lợi trực tiếp từ dự án, tăng thêm lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất lúa của hộ nông dân khoảng 20%. Để đạt mục tiêu này, dự án đẩy mạnh việc xây dựng nhóm nông dân và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật sau tập huấn; tập trung các giải pháp đẩy mạnh giảm giống gieo sạ; tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho các hợp tác xã (tổ chức nông dân) nâng cao năng lực đủ tiêu chuẩn để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá để thúc đẩy phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của nông dân và tổ chức nông dân…

Đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn năm 2018

Năm 2018, Dự án VnSAT TP Cần Thơ được bố trí kế hoạch vốn 75 tỉ đồng (trong đó vốn IDA 60 tỉ đồng và vốn thành phố đối ứng 15 tỉ đồng) mở các lớp đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân, hỗ trợ hạ tầng và hỗ trợ thiết bị cho các hợp tác xã (tổ chức nông dân) sản xuất lúa. Trong đó, hỗ trợ cơ sở hạ tầng (gồm trạm bơm điện kết hợp cống, lò sấy, nhà kho…) cho 7 hợp tác xã đã được WB “không phản đối” trong năm 2017, với kinh phí 66,9 tỉ đồng và dự kiến chọn thêm 7 hợp tác xã để hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong năm nay. Thực hiện hỗ trợ trang thiết bị (máy sấy, máy tách hạt, máy cuốn rơm…) cho 6 hợp tác xã đã được WB “không phản đối” trong năm 2017 với kinh phí 3,3 tỉ đồng… Ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tư vấn Dự án VnSAT TP Cần Thơ, đề xuất: Dự án dành trên 80% nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) để phát triển sản xuất. Các địa phương cần quan tâm xác định rõ địa điểm đầu tư, chọn hợp tác xã đủ điều kiện hỗ trợ và xác định danh mục đầu tư hiệu quả. Các ban, ngành thành phố tạo điều kiện và hỗ trợ cho Ban Quản lý Dự án VnSAT, rút ngắn thủ tục đầu tư và tranh thủ giải ngân hết nguồn vốn phân bổ năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Đỗ Sĩ Nhường, nông dân trên địa bàn huyện tham gia dự án đã thay đổi thói quen sản xuất và mạnh dạn giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật. Huyện đã xác định các hợp tác trên địa bàn đủ điều kiện thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm: Đồng Vạn, Quyết Thắng, Hiếu Bình để tiếp tục hỗ trợ trong năm nay; đồng thời tạo điều kiện tập huấn cho các hợp tác xã sản xuất lúa giống, đăng ký kinh doanh sản xuất lúa giống. Huyện cũng sẽ tiếp tục vận động nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, gắn với quy trình sản xuất lúa sạch, lúa an toàn để tăng lợi nhuận.

Dự án VnSAT TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện tại thành phố hơn 2 năm. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, đây là dự án của ngành nông nghiệp với quy mô và nguồn vốn ODA lớn nhất từ trước đến nay. Năm nay, Bộ NN&PTNT quan tâm bố trí vốn ODA cho Cần Thơ 60 tỉ đồng, mức cao nhất so với 12 địa phương còn lại tham gia dự án, thành phố cũng vừa bố trí vốn đối ứng 15 tỉ đồng. Do đó, thành phố sẽ tập trung các giải pháp giải ngân hết nguồn vốn phân bổ. Ngành nông nghiệp phải tiếp tục tập trung tập huấn kỹ thuật cho nông dân theo chiều sâu, thiết thực, tạo chuyển biến về nhận thức của nông dân sản xuất lúa bền vững. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nâng cao kiến thức, năng lực để truyền đạt lại cho nông dân. Dự án cũng phải tập trung quyết liệt cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các hợp tác xã để đảm bảo giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2018.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết