30/10/2011 - 21:08

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Tăng quyền tự chủ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát

Việc thành lập mới các trường đại học (ĐH) mà không có biện pháp giám sát chất lượng hiệu quả, dẫn tới tình trạng không kiểm soát được chất lượng giáo dục (GD) ĐH; tăng quy mô, ngành nghề tuyển sinh nhưng lại không tuyển đủ chỉ tiêu;… Những vấn đề này được nhiều đại biểu “mổ xẻ”tại hội nghị trực tuyến sơ kết một năm rưỡi thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) diễn ra ngày 29-10.

* Còn khó khăn, hạn chế

Chỉ thị 296 đã thực sự tạo nền tảng góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga, nhận xét: “Chỉ thị 296 đã thực sự đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến trong nhận thức lãnh đạo các cơ sở GDĐH về tầm quan trọng của việc đổi mới quản lý trong nâng cao chất lượng đào tạo”. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện đã có 344 trường ĐH, CĐ (đạt 83,9%) đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012; trên 76% các trường tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số hoặc xây dựng mới chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;... Tuy nhiên, vẫn còn trên 50 trường không báo cáo về Bộ kết quả sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 296 và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT. Trong số 355 trường đã báo cáo về Bộ, có 85 trường chưa xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo, 61 trường chưa xây dựng cam kết chất lượng đào tạo,...

Một khó khăn khác là, tuy chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nhưng thực tế Bộ GD&ĐT chỉ quản lý có 50/400 trường ĐH, CĐ trên cả nước, số còn lại thuộc chức năng quản lý của các bộ, ngành khác và các tỉnh thành phố. Vì thế dẫn đến việc chưa đảm bảo được tính thống nhất, thông suốt trong quản lý giáo dục; công tác thanh tra, kiểm tra ở những trường này cũng gặp nhiều trở ngại hơn. Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ Bộ GD&ĐT, nói: “Các Bộ, ngành, các tổ chức kinh tế quản lý rất nhiều trường nhưng lại không có các cơ quan chuyên môn quản lý về giáo dục. UBND cấp tỉnh chưa được quy định rõ quyền và trách nhiệm quản lý các trường. Bộ GD&ĐT chưa ban hành đủ quy chế, quy định, quy chế phối hợp với các Bộ, ban ngành và các tỉnh nên việc quản lý giáo dục đại học còn nhiều hạn chế và giảm hiệu lực, hiệu quả”.

Việc tăng cường đầu tư, tăng quyền tự chủ hơn sẽ giúp các trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đang truy cập internet tại Trung tâm Học liệu của trường.  

Một khía cạnh khác khiến không ít cán bộ quản lý cơ sở đào tạo và dư luận quan tâm là việc tăng quy mô và số lượng các trường đại học mà không có biện pháp giám sát chất lượng hiệu quả, dẫn tới tình trạng không kiểm soát được chất lượng GDĐH. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Vẫn còn tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều ngành quan trọng khó tuyển những sinh viên có chất lượng, chất lượng bằng cấp giữa hệ đào tạo công lập và ngoài công lập chưa tương đương...”.

* Cần sự thay đổi

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng cần giao quyền tự chủ hơn nữa cho các trường để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 296. Ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: “Đi đôi với việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ, đối với các trường của địa phương, Bộ GD&ĐT nên giao quyền mở mã ngành cho UBND cấp tỉnh (sau khi đã thẩm định đủ điều kiện để mở mã ngành). Bởi vì, tỉnh là đơn vị nắm rõ nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển của địa phương, nhằm tránh lãng phí nhân lực, vật lực”. Còn theo ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, Bộ GD&ĐT cần tăng cường kiểm tra văn bản pháp qui hiện hành, nhất là việc thẩm định thành lập mới các trường ĐH cần chặt chẽ hơn. Đồng tình với quan điểm của 2 đại biểu trên, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang Võ Văn Thắng, cho rằng Bộ GD&ĐT cần hướng đến việc xây dựng tính tự chủ cho các trường đi đôi với tăng cường sự quản lý của Bộ thông qua các chế tài. Việc tổng kết quá trình hoạt động cũng không để đó mà phải xử lý những nơi làm chưa tốt, vi phạm quy chế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể để cho GDĐH phát triển theo cơ chế thị trường, bởi ĐH không phải là doanh nghiệp. Nếu nói về sự chi phối thì quy luật sư phạm có ảnh hưởng đầu tiên đến GDĐH. Đó là trung thực, kỷ cương và đổi mới phải bám vào đơn vị sư phạm, trong đó người thầy phải là tấm gương về đạo đức, sáng tạo. Sắp tới, các trường ĐH, CĐ phải công khai chất lượng đào tạo để xã hội giám sát, lựa chọn. Quyền tự chủ sẽ dần được giao cho các trường nhưng phải theo các chuẩn mực nhất định.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng quan tâm góp ý là việc Bộ cần sớm hoàn thành luật GDĐH để các trường lấy đó làm căn cứ phát triển. Ông Võ Văn Thắng bày tỏ: “Thời gian qua, việc đổi mới giáo dục còn nhiều lúng túng và chưa hiệu quả. Bộ cần phải xác định rõ giáo dục có nên phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước khi tiến hành xã hội hóa giáo dục hay không. Nếu có thì phải được quy định rõ ràng trong luật giáo dục”. Còn theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, Bộ cần sớm hoàn thiện luật GDĐH, đi đôi với việc tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và có chế tài với những trường không đảm bảo chất lượng. Bởi đã có trường chưa thực hiện nghiêm túc trong thi cử dẫn đến chất lượng không đảm bảo, như: thi không tốt, điểm đầu vào thấp, tìm mọi cách thu hút thí sinh...

Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị nên tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường, các vùng để tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây lãng phí và chất lượng đào tạo kém; có cơ chế chính sách thu hút thí sinh vào học các ngành nghề khó tuyển (nông nghiệp, khoa học xã hội nhân văn, điện hạt nhân). Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 nếu giữ nguyên “3 chung” thì cũng nên điều chỉnh, bổ sung thi tuyển sinh cho phù hợp thực tế,...

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sắp tới, Bộ sẽ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các trường, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về GD, từng bước xây dựng bộ máy quản lý ĐH thông suốt, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 296 không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới giáo dục. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Bộ sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết ở các mức: Thu hồi quyết định mở ngành đối với những ngành không còn đảm bảo các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo; trình cấp có thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường. Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên nguồn lực hiện có của trường. Bộ sẽ có nghiên cứu căn cơ về việc đổi mới tuyển sinh, trước mắt vẫn giữ “3 chung”... Tuy nhiên, mọi thay đổi, điều chỉnh cũng nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết