30/07/2015 - 21:29

Tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp

Tại Hội thảo "Giải pháp ứng dụng kỹ thuật mới và công nghệ cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu" (trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp diễn ra từ 28-7 đến 2-8), các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong tình hình hội nhập…

ĐBSCL được coi là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với các sản phẩm chủ lực, như: lúa gạo, thủy sản, trái cây... Các địa phương trong vùng cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhất là mô hình "cánh đồng lớn" đang được nhân rộng trong vùng ĐBSCL trong những năm gần đây, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo trong vùng...

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.

Theo Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, Khoa Cơ khí - Công nghệ, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, nói đến tái cơ cấu nông nghiệp có thể đơn giản hóa gồm 2 nội dung chính là: thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng tính cạnh tranh toàn cầu; sản xuất theo hướng hàng hóa để có nhiều sản phẩm với chất lượng đồng đều, ổn định và giá thành cạnh tranh. Thực hiện 2 vấn đề này đòi hỏi không chỉ thay đổi về giống, canh tác nông học mà còn phải tăng thêm năng lượng cho nông nghiệp là đẩy mạnh cơ khí hóa, điện khí hóa bằng năng lượng tái tạo. Cơ khí hóa trong nông nghiệp đã được đề cập mấy chục năm nay, nhưng kết quả thực hiện cơ giới hóa của Việt Nam còn tụt hậu so với các nước lân cận. Ngoài cây lúa cơ giới hóa đạt tỷ lệ cao trong các khâu, các loại cây trồng khác chỉ có cơ giới hóa khâu làm đất và còn lại là làm thủ công. Điện dành cho nông nghiệp cũng chưa nhiều, ĐBSCL cần khai thác phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện năng lượng mặt trời, điện bằng biogas… Năng lượng tái tạo cũng là xu hướng toàn cầu và vùng ĐBSCL có điều kiện thuận lợi…

Các nhà khoa học cũng cho rằng, cần quan tâm khâu cải tạo đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ để phát triển bền vững. Ông Võ Mầu, chuyên gia về đất Công ty Cổ phần Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho rằng: Hiện nay, gần như đại đa số đất của Việt Nam nhiễm độc do thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ tích lũy lâu dần trong đất. Trong sản xuất nông nghiệp đất là khâu chính, để có được sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, quan trọng nhất là đưa các giải pháp sinh học vào cải tạo đất… Với tiến bộ khoa học ngành công nghệ sinh học hiện nay sẽ giúp người nông dân không phải lo về vấn đề sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn đất đai và bảo vệ sức khỏe con người. Nền nông nghiệp hữu cơ có một tiềm năng là gia tăng năng suất một cách đáng kể, nhất là ở những vùng có năng suất kém và trung bình, những vùng đất bị thoái hóa dinh dưỡng. Nếu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển về kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào đồng ruộng thì nền nông nghiệp hữu cơ sẽ phát triển bền vững…

Những năm gần đây, cùng với chiến lược chọn tạo giống cho năng suất và chất lượng, Trường Đại học Cần Thơ cũng quan tâm đến chọn giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu như: lúa chịu mặn, chịu phèn, khô hạn và chống đổ ngã cho vùng ĐBSCL. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Công Thành, Bộ môn Di truyền - Giống nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, về giống lúa chịu mặn đã đạt được một số thành tựu như: đã cải thiện thành công giống lúa mùa một bụi đỏ tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), giống CTUS17 chịu mặn giỏi đang trồng tại một số vùng ở ĐBSCL cho năng suất 5-6 tấn/ha và chất lượng gạo có mùi thơm… Trường Đại học Cần Thơ cũng đang có sẵn nguồn giống chịu đất phèn nhiễm mặn, gạo có chất lượng thơm, dẻo, hợp theo tiêu chuẩn xuất khẩu, các dòng này đang chờ ký hợp đồng với các địa phương để triển khai. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Công Thành cũng cho rằng: Vấn đề phát triển giống lúa mới rất cần sự liên kết "4 nhà", nhất là liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng: Cơ khí hóa trong nông nghiệp rất quan trọng, các địa phương vùng ĐBSCL đang quyết liệt đẩy mạnh. Riêng TP Cần Thơ thời gian qua tổ chức các hội chợ trưng bày sản phẩm máy nông nghiệp giúp nông dân ĐBSCL lựa chọn. Về điện năng lượng mặt trời và các năng lượng tái tạo khác trong vùng ĐBSCL, ở Bạc Liêu đã có điện gió; Chính phủ rất khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời, điện gió. TP Cần Thơ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng mặt trời...

Thời gian qua, các doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nông sản để có nhiều sản phẩm mới, đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ, chuyển hướng công nghệ theo hướng sạch hơn cho nông - thủy sản của vùng… Theo Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May Essential, vùng ĐBSCL có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phong phú, đa dạng. Doanh nghiệp định hướng phát triển dựa vào công nghệ của thế giới để đầu tư vào sản xuất, kết hợp với đội ngũ nhân lực khu vực công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May Essential dự kiến nghiên cứu và chọn lọc sản xuất một số nguyên liệu nông nghiệp trong giai đoạn sắp tới như: nguyên liệu chứa dầu (cám gạo, mè, gấc), nguyên liệu chứa tinh dầu (gừng, sả, ớt, nghệ), một số nguyên liệu cung cấp cho ngành dược (diếp cá, cúc gai...)… Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Marketing Công ty TNHH ADC, cho biết: Trước đây, ADC cung cấp vật tư đầu vào cho nông dân như: phân, thuốc bảo vệ thực vật, giống. Những năm gần đây, công ty thu mua, lo đầu ra các sản phẩm như: rau, lúa gạo… cho nông dân. Về mặt hàng gạo, công ty lựa chọn gạo đặc sản, sản xuất theo hướng an toàn (gạo sạch) để đáp ứng yêu cầu thị trường, cũng như có thể cạnh tranh với gạo của một số nước, nhất là Thái Lan có thế mạnh về gạo thơm...

Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất Viễn Phú (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã xuất khẩu thành công gạo hữu cơ, tiêu chuẩn của châu Âu, châu Mỹ và có kế hoạch cung cấp 1.000 tấn gạo/năm. Ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Sản xuất Viễn Phú, cho biết: Nhiều nơi ở vùng ĐBSCL có thể phát triển lúa sạch tiêu chuẩn quốc tế (sản xuất lúa gạo hữu cơ). Tiêu chuẩn hữu cơ là đất và nước không bị ô nhiễm, giống đòi hỏi không biến đổi gien, cho phép sử dụng dinh dưỡng từ thiên nhiên cho cây lúa phát triển… Ngoài xuất khẩu, công ty có bán một phần sản phẩm tại thị trường nội địa, thông qua cửa hàng đặt tại TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hữu cơ cũng rất cao, do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là xu hướng chung...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết