06/11/2016 - 16:45

Ứng dụng thương mại điện tử

Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong vài năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang dần trở thành xu hướng tất yếu của cộng đồng bởi những lợi thế mang lại cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần thực sự chú trọng tới TMĐT và có sự đầu tư hợp lý để xây dựng thương hiệu trực tuyến, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nền tảng phát triển

Chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT chia sẻ một số kinh nghiệm xây dựng website cho doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Cần Thơ. 

Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015 của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, tính đến năm 2015 đã có hơn 10.000 nền tảng TMĐT và website được đăng ký, con số này tăng gấp đôi so với năm 2014. Do vậy, xu thế mua sắm trực tuyến tại Việt Nam chắc chắn sẽ được đẩy mạnh. Dự đoán đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam sẽ tăng 40%. TMĐT đang là xu hướng bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Tại châu Á, Việt Nam đang là thị trường có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này với dân số hơn 90 triệu người. Mặc dù hình thức kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa đánh giá đầy đủ cơ hội này. Trên thực tế, chỉ 20% DNVVN xây dựng website riêng để quảng bá kinh doanh và 70% số website này lại khó có thể truy cập được bằng điện thoại di động.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho biết: Tại Việt Nam, TMĐT phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Trong năm 2015, doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt 4 tỉ USD và được dự đoán đến năm 2020 sẽ tăng lên đến 10 tỉ USD, chiếm khoảng 5% tổng doanh thu bán lẻ. Bởi vậy, các DNVVN cần tìm cách đáp ứng nhu cầu của thị trường để duy trì sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh. Sự đổi mới là không ngừng nghỉ và ở thời điểm này, cuộc cách mạng công nghệ thông tin vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Khi mà khách hàng luôn hướng tới sự tiện lợi thì phương thức kinh doanh mà doanh nghiệp sử dụng ngày hôm nay có thể sẽ không còn phù hợp trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8-8-2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch tổng thể đưa ra các mục tiêu cần đạt được vào năm 2020 theo 4 nhóm chỉ tiêu: hạ tầng cho TMĐT, quy mô thị trường TMĐT, mức độ ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, và mức ứng dụng TMĐT trong cơ quan nhà nước. Trong đó xác định rõ các chỉ tiêu định lượng về TMĐT, đặc biệt là các chỉ tiêu trọng tâm về quy mô thị trường và mức độ ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Về quy mô thị trường TMĐT, đến năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) tăng 20%/năm, đạt 10 tỉ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng TMĐT… Vì vậy, đã đến lúc các DNVVN cần thực sự chú trọng tới TMĐT và có sự đầu tư hợp lý để xây dựng thương hiệu trực tuyến thông qua công cụ hữu hiệu nhất, đó là các trang web, để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Nắm bắt cơ hội

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, tham gia TMĐT tạo cơ hội cho DNVVN mở rộng thương mại quốc tế nhờ sử dụng các giải pháp kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, tăng nhận biết của khách hàng qua xây dựng thương hiệu trực tuyến và lan truyền thông tin một cách nhanh chóng thông qua đăng tải thông tin trực tuyến. Doanh nghiệp có thể giao tiếp với khách hàng mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, doanh nghiệp tận dụng các công cụ marketing như SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) và SEM (tiếp thị trên công cụ tìm kiếm, như: google, facebook, bing…) để các khách hàng tiềm năng có thể dễ dàng tìm ra doanh nghiệp trên mạng trực tuyến. Do vậy doanh nghiệp cần suy nghĩ và hành động nắm bắt cơ hội. Theo đó, trong xây dựng thương hiệu cần quan tâm công nghệ số bên cạnh lối truyền thống khi lượng truy cập Internet ngày càng nhiều và TMĐT ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chia sẻ: Xây dựng website là một trong những bước đầu tiên để doanh nghiệp tham gia vào TMĐT và tên miền mà doanh nghiệp chọn để xây dựng website có thể tạo ra ảnh hưởng lớn tới danh tiếng và độ tín nhiệm cho thương hiệu của doanh nghiệp đó. Tùy vào nhu cầu, khả năng tài chính, nguồn nhân lực các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức xây dựng website, như: tự xây dựng webite; thuê đơn vị chuyên xây thiết kế, xây dựng website hay tham gia sàn TMĐT, mạng xã hội.

Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc Kinh doanh Mắt Bão Network, một trong những nhà cung cấp tên miền hàng đầu tại Việt Nam, nhận định: Chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xây dựng một hiện diện trực tuyến đáng tin cậy và thành công. Một khi doanh nghiệp có hiện diện trực tuyến chính thức với một tên miền tiêu chuẩn, tức là doanh nghiệp đã đảm bảo khả năng tiếp cận cao tới khách hàng mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên các tên miền được công nhận trên toàn cầu như tên miền .com còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn hơn, không chỉ trong nước mà còn vượt qua biên giới. Có rất nhiều tên miền mở rộng, nhưng .com là tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận cho kinh doanh trực tuyến. Hiện nay, tại Việt Nam, website với tên miền .com có tỷ lệ truy vấn lớn nhất, chiếm 69,85%. Doanh nghiệp cần lựa chọn trên cơ sở hướng phát triển dịch vụ và hoạt động kinh doanh; phù hợp và gần gũi với tên sản phẩm, dịch vụ đặc thù của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tên miền mang tính quốc tế hướng tới khách hàng trong và ngoài nước; tên miền và website có khả năng mở rộng khi thay đổi và phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ mới.

Để doanh nghiệp tiếp cận một số công cụ tiếp thị trực tuyến hiệu quả cho kinh doanh trực tuyến, ông Trần Ngọc Chính, Trung tâm Đào tạo DGM Việt Nam, chia sẻ: Các loại hình tiếp thị trực tuyến phổ biến, như: mạng xã hội facebook với hơn 37 triệu người dùng tại Việt Nam hoạt động. Do vậy đây là kênh hiệu quả để doanh nghiệp xúc tiến, quảng bá sản phẩm dịch vụ, thương hiệu đến khách hàng tiềm năng. Hiện có 78% người dùng diện thoại thông minh Việt Nam mua sản phẩm, dịch vụ và tìm kiếm thông tin trên online. Doanh nghiệp có thể sử dụng các phương tiện di động như một kênh giao tiếp và truyền thông giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng email (thư điện tử) mang nội dung về thông tin/bán hàng/tiếp thị/giới thiệu sản phẩm đến khách hàng mà mình mong muốn. Kết hợp video vào chiến dịch tiếp thị, qua video thể hiện những thông điệp súc tích và dễ hiểu về bất kỳ một ý tưởng, một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết