Tổng Lãnh sự Canada tại TP Hồ Chí Minh Kyle Michael Nuas vừa có chuyến thăm và làm việc tại TP Cần Thơ nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Theo lãnh đạo thành phố, Canada được xem là một trong những đối tác quan trọng và Cần Thơ mong muốn mở rộng quan hệ với Canada về mọi mặt.
Quan hệ đối tác toàn diện
Ngày 9-3-2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Canada, đã được ký kết, mở đường cho việc đẩy mạnh giao thương giữa hai nước. Về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne khẳng định Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán CPTPP, đồng thời nhấn mạnh Canada mong muốn củng cố quan hệ với Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam tặng quà lưu niệm cho Tổng Lãnh sự Canada. Ảnh: NAM HƯƠNG
Không lâu trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhân Tuần lễ Cấp cao APEC tháng 11-2017, hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương vốn được thiết lập từ năm 1973. Theo đó, Việt Nam và Canada quyết định tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị theo hướng toàn diện, thực chất, hiệu quả, ổn định và lâu dài trên bình diện song phương, khu vực và thế giới.
Việt Nam và Canada cam kết coi thương mại và đầu tư hai chiều là động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hai nước sẽ duy trì quan tâm đến thị trường của nhau và thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương trong các lĩnh vực chủ chốt. Việt Nam và Canada sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại và kịp thời giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ thương mại - đầu tư trên nguyên tắc hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường hợp tác tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - tài chính đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Canada là quốc gia nằm ở Bắc Mỹ, có diện tích gần 10 triệu km2, lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Nga và dân số khoảng hơn 36 triệu người. Hiện nay, Canada là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và là một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh (tổng GDP gần 1,8 ngàn tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 48.000 USD). Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt hơn 432 tỉ USD trong khi xuất khẩu trên 420 tỉ USD.
3/4 kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada là thực hiện với Mỹ. Việc Washington rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, tiền thân của CPTPP) và tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mỹ, Canada, Mexico) có thể là cơ hội để các nước khác tăng cường buôn bán với Canada.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất trong khối ASEAN của Canada với giá trị buôn bán hai chiều hơn 4 tỉ USD/năm, trong đó Việt Nam thặng dư trên 3 tỉ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Canada gồm máy móc, thiết bị điện và điện tử; giày dép các loại; hàng dệt may; đồ gỗ... Trong buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne sang thăm Việt Nam tháng 5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 8-10 tỉ USD trong 5 năm tới là có thể thực hiện được.
Tính đến cuối năm 2017, Canada đã đầu tư hơn 5 tỉ USD vào Việt Nam. Mới đây, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã ký kết với Quỹ Morfund Canada về quy mô vốn đầu tư 6,3 tỉ đôla Canada (5 tỉ USD) cho dự án xây đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Đây là cơ sở pháp lý để tiến hành các bước tiếp theo nhằm đầu tư tài chính cho dự án.
Không chỉ là đối tác thương mại quan trọng, Canada từ năm 1990 đến nay còn hỗ trợ các sáng kiến phát triển và giảm nghèo tại Việt Nam với tổng trị giá lên tới 1 tỉ USD.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Việt Nam là quốc gia đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á về số lượng sinh viên học tập ở Canada, với gần 7.500 du học sinh năm 2017, tăng 55% so với năm 2015.
Cộng đồng người Việt Nam tại Canada hiện có khoảng 250.000 người và ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho xã hội Canada. Họ cũng là cầu nối tích cực cho quan hệ hai nước.
Canada quan tâm đến Cần Thơ
Tại buổi tiếp Tổng lãnh sự Canada tại TP Hồ Chí Minh Kyle Michael Nuas ngày 14-3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đề nghị Canada tạo điều kiện, hỗ trợ cho Cần Thơ kết nghĩa với một thành phố của xứ sở lá phong, đồng thời mời ngài Tổng Lãnh sự và các doanh nghiệp Canada đến dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Cần Thơ năm 2018, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 10-8.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (giữa) trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2017.
Tổng Lãnh sự Kyle Michael Nuas khẳng định đây cũng là mong muốn của Canada và cho biết sẽ sắp xếp để tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Cần Thơ, cũng như giới thiệu với các nhà đầu tư Canada về sự kiện này.
Hiện nay, quan hệ giao thương giữa Cần Thơ và Canada còn khá khiêm tốn. Kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ sang Canada mới đạt vài chục triệu USD/năm, chủ yếu là các mặt hàng nông thủy sản, may mặc, giày da. Ở chiều ngược lại, thành phố nhập khẩu từ Canada phần lớn là hóa chất và dược liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến. Có thể nói tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhất là khi CPTPP có hiệu lực.
Canada cũng rất quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị và tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Cần Thơ nói riêng.
Tháng 10-2017, đoàn đại diện Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada đã đến thăm Cần Thơ. Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, đại diện của Bộ này đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị tại Cần Thơ và Chương trình “Đối tác đô thị đổi mới về phát triển kinh tế địa phương” do Liên đoàn đô thị Canada (FCM) hợp tác với Hiệp hội các đô thị Việt Nam thực hiện. Đây là chương trình tập trung phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Được biết, Trường Đại học Cần Thơ bắt đầu thiết lập quan hệ với các viện, trường tại Canada từ năm 1995 bằng các chương trình hợp tác đào tạo cán bộ và hiện tại Trường có hàng chục cán bộ đang theo học tại đây. Trong khuôn khổ chương trình Mekong 1000 nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã gửi nhiều ứng viên từ các tỉnh, thành của vùng để tham gia các chương trình đào tạo sau đại học tại quốc gia này.
Đầu tháng 3-2018, đoàn công tác của Tổ chức Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đã đến thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ. Mục đích của buổi làm việc nhằm tìm hiểu về tác động biến đổi khí hậu ở ĐBSCL và công tác ứng phó giảm nhẹ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trước đó, vào tháng 9-2016 và tháng 3-2017, Ngoại trưởng Canada Stéphane Dion và Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone cũng đã lần lượt tới thăm thành phố Cần Thơ.
QUỐC KHÁNH