28/11/2011 - 08:49

Tăng cường thâm nhập thị trường Myanmar

Chính quyền Myanmar đang bắt đầu tiến trình cải cách chính trị và đứng trước cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đã luôn duy trì mối quan hệ chính trị tốt đẹp với Myanmar, nhưng chúng ta cần phát huy hơn nữa năng lực khai thác thị trường đầu tư và thương mại đầy tiềm năng ở nước này.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ tại Myanmar. Ảnh: Viettrade 

Bộ Công thương nước ta mới đây tổ chức cuộc hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Myanmar trên nước bạn. Có 39 doanh nghiệp nước ta tham gia, phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thực phẩm, hương liệu và phụ gia thực phẩm, sản phẩm nông thủy sản, nuôi trồng nông lâm thủy sản, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm cơ khí, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, đồ gia dụng, du lịch lữ hành... Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar thông qua việc giới thiệu năng lực sản xuất, tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Myanmar.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Myanmar trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng, đạt mức trung bình hàng năm lên tới 61%. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar chủ yếu là thép các loại, nguyên phụ liệu may mặc, phân bón hóa học, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng, xăm lốp các loại, tấm lợp bằng nhựa và chất dẻo nguyên liệu, phụ tùng máy móc, mô tô. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu của chúng ta qua nước bạn còn quá thấp lại bị nhập siêu. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar đạt 125 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 60 triệu USD (tăng 110,7%) và nhập khẩu 65 triệu USD.

Tuy thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người của Myanmar không cao (khoảng 1.197 USD), nhưng với số dân 65 triệu người, sản xuất trong nước còn hạn chế nên nhu cầu tiêu dùng và sức mua rất lớn. Nước này phải phụ thuộc đến 80% hàng công nghiệp và tiêu dùng nhập khẩu từ hơn 115 quốc gia trên thế giới, trong đó nổi trội nhất là Trung Quốc, Thái Lan và Singapore. Mặc dù theo thống kê chính thức, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Myanmar chỉ gần 3,6 tỉ USD/năm, nhưng lượng nhập lậu và không chính ngạch vào nước này được đánh giá là khổng lồ. Việt Nam vẫn có nhiều khả năng thâm nhập thị trường này bằng các loại hàng hóa khác như mỹ phẩm, hóa chất, thực phẩm chế biến, máy tính và linh kiện, ắc quy, máy biến thế, đồ nhựa, tơ lụa, thiết bị giao thông.

Về đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có nhiều dự án lớn trên các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, thăm dò dầu khí, khai thác đá trắng, thiết lập mạng viễn thông di động. Và chúng ta cũng có nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản khác, lâm sản, chế biến nông lâm thủy sản, đóng tàu, du lịch và nhà hàng, chế biến thức ăn gia súc, nhiệt điện. Myanmar là thị trường mới mở, yếu tố cạnh tranh không nhiều, tài nguyên thiên nhiên phong phú chưa được khai thác rộng rãi, người dân hiền hòa với 98% theo đạo Phật nên được coi là những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” rất thích hợp cho các doanh nghiệp nước ta đến đầu tư. Trung Quốc đang là nhà đầu tư trực tiếp “không có đối thủ” với vốn cam kết 14 tỉ USD trong tổng số 20 tỉ USD vốn đăng ký tại Myanmar, nhưng chính quyền nước này đang cần đa dạng hóa đối tác làm ăn.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết