11/06/2024 - 19:55

Tăng cường giám sát trọng điểm, tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vaccine 

(CT) - Chiều 11-6, Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp trực tuyến với 19 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì hội nghị.

Nhân viên y tế tiêm ngừa cho trẻ tại trạm y tế phường Lê Bình, quận Cái Răng.

Theo Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh, tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ổn định. Tuy nhiên số ca bệnh dại ở khu vực chiếm đến 27% ca bệnh cả nước. Phần lớn ca dại tập trung ở một số tỉnh như Bến Tre, Tây Ninh, Long An, gần đây là Kiên Giang, Cà Mau. Số người tiêm ngừa dại tăng lên có thể do bị chó cắn nhiều hơn hoặc có thể do người dân có ý thức hơn trong việc đi tiêm ngừa. Trong đó đáng lưu ý, 53% vết cắn độ III (độ phức tạp). Ðộ này, ngoài tiêm vaccine phòng bệnh, còn cần tiêm huyết thanh. Ðối với một số bệnh liên quan đến vaccine như ho gà, sởi... đa số ca mắc bệnh ở tuổi nhỏ, chưa tiêm hoặc tiêm không đủ liều, không rõ tiền sử tiêm chủng.

Từ thực tế đó, Viện Pasteur nhận định, với những bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, nếu không duy trì tốt các biện pháp can thiệp chủ động thì nguy cơ dịch bệnh trỗi dậy. Với các bệnh ngừa được bằng vaccine phòng bệnh, có dấu hiệu gia tăng, xuất hiện chùm ca bệnh cục bộ tại một số địa phương, tiếp tục nguy cơ xuất hiện các ổ dịch. Cần kiểm soát tốt, đồng bộ 2 biện pháp can thiệp không vaccine và có vaccine.

Với những bệnh ngừa được bằng vaccine, Viện Pasteur đề nghị các tỉnh, thành tăng cường giám sát, rà soát tiêm chủng, đánh giá nguy cơ, tiêm bù, tiêm vét và tiêm bổ sung; tập huấn chẩn đoán và điều trị; phối hợp các ngành như ngành Giáo dục để triển khai công tác phòng, chống lây nhiễm trong trường học... Với những bệnh không có vaccine phòng ngừa thì tăng cường công tác truyền thông, tổ chức các can thiệp phù hợp, giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm, tập huấn về chẩn đoán, điều trị, duy trì tham vấn nội bộ và giữa các tỉnh, thành với các bệnh viện chỉ đạo tuyến tại TP Hồ Chí Minh...

Các giải pháp phòng, chống dịch được khuyến cáo: chính quyền và các ban, ngành tăng cường hỗ trợ ngành y tế; đào tạo, truyền thông, giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm...

Tại TP Cần Thơ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ đầu năm 2024 đến ngày 31-5, ghi nhận có 272 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 701 ca so với cùng kỳ năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Ngành Y tế cũng ghi nhận có 415 ca mắc tay chân miệng, tăng 178 ca so với năm 2023 (237 ca), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Ghi nhận 2 ca đậu mùa khỉ và 10 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 1 ca ở quận Ô Môn và 1 ca ở quận Thốt Nốt đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm có kết quả dương tính.

Hướng tới, ngành Y tế Cần Thơ xây dựng quy trình giám sát phù hợp với địa phương trên cơ sở các hướng dẫn chuyên môn; tăng cường tìm kiếm ca bệnh chủ động trên các nhóm nguy cơ và ca chỉ điểm tại cộng đồng. Xét nghiệm tối đa tại cơ sở y tế và các ca nghi ngờ đã được phát hiện. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch… Vận động người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết