05/01/2022 - 20:04

Tăng cường đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, nỗ lực đạt nhiều thành tích và tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội 

(CT) - Ngày 5-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ dự hội nghị.

Các đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố... dự tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Đồng chí  Lê Quang Mạnh, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ tham gia phát biểu tại hội nghị.

Năm 2021, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị nói chung đã cùng với toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nước ta đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Nền kinh tế nước ta tiếp tục được đánh giá là một nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dù tăng trưởng kinh tế quý 3-2021 bị âm (- 6,02%) do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 nhưng sang quý 4 đã đạt mức tăng 5,22%, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 đạt 2,58%. Thu ngân sách nhà nước đạt được mức tăng cao so với dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục là 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 336,25 tỉ USD, tăng 19%. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt xuất siêu khoảng 4 tỉ USD trong năm 2021.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất bình quân giảm, dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố. Tổng vốn đầu tư, phát triển toàn xã hội tương đương 34,4% GDP, tăng 1,2% so năm trước.

Trong khó khăn, nước ta vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững…Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà nước ta đạt được trong năm qua cũng như thống nhất với các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 mà Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đề ra. Tập trung thực hiện tốt chủ đề của năm 2022 là “Ðoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.

Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xem xét phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương và bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm huy động tốt các nguồn lực đầu tư đẩy mạnh phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Kịp thời có giải pháp nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu... Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các cơ quan có liên quan tiếp thu, ghi nhận các ý kiến tại hội nghị để cập nhật, hoàn thiện các báo cáo và chương trình, kế hoạch của năm 2022. 

Dự báo, năm 2022 dịch bệnh trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp, doanh nghiệp còn gặp khó, nợ xấu có xu hướng tăng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm…Với khó khăn và thách thức được dự báo nhiều hơn thời cơ và thuận lợi nên ta phải có giải pháp phù hợp. Bám sát Nghị quyết Ðại hội 13 của Ðảng, điều hành một cách linh hoạt, sáng suốt. Kế thừa phát huy kinh nghiệm quý, bài học hay, khắc phục tối đa các hạn chế, khó khăn và vướng mắc. Tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong năm. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế. Ưu  tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy tính linh động, sáng tạo của các ngành, địa phương…Phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân...

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để chiến thắng dịch COVID-19 và gìn giữ,  phát huy tốt các kết quả đạt được, trong năm 2022 và thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới sáng tạo hơn nữa. Nhà nước ta nói chung, Chính phủ và chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỹ cương, hoạt động hiệu lực và hiệu quả rồi, tới đây càng phải liêm chính, kỹ cương và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa. Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn vừa qua rồi thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Ðại hội 13 của Ðảng và phát triển nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường. Năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG 

Chia sẻ bài viết