02/03/2021 - 10:36

Ngày động vật hoang dã thế giới 3-3

Tăng cường bảo tồn đặc biệt các loài nguy cấp, loài di cư

Bảo vệ động vật hoang dã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường sống trong lành, mang giá trị kinh tế, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện phát triển ngành y học. Hiện nay nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc có thể gần tuyệt chủng cần được bảo vệ. Có nhiều loài sinh vật trên trái đất cư trú và sinh trưởng ở những khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, hàng năm diện tích rừng nhiệt đới dần bị thu hẹp và nhiều loài đã bị tuyệt chủng. Do đó, việc bảo vệ động vật hoang dã là vấn đề cấp bách hiện nay.

Hoàn thiện và đẩy mạnh thực thi pháp luật

Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cập nhật gần cuối năm 2020 cho thấy, số lượng loài bị đe dọa phân bố ở Việt Nam là 745 loài bao gồm 64 loài thú, 53 loài chim, 70 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư và 96 loài cá.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, số loài và cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh. Nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Các loài thú như: voi, hổ, mèo lớn, gấu, tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả.

Để bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ năm 2018 đã điều chỉnh tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm từ tội phạm nghiêm trọng thành tội phạm rất nghiêm trọng.

Bộ luật Hình sự 2018 có nhiều điểm mới, trong đó nâng mức hình phạt tiền, phạt tù đối với người thực hiện tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Mức cao nhất của hình phạt tiền từ 500 triệu đồng lên 2 tỉ đồng, nâng mức cao nhất của hình phạt tù từ 7 năm lên 15 năm nhằm đảm bảo chính sách xử lý phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và tình hình thực tiễn.

Về chế tài xử lý, pháp nhân thương mại phạm tội có thể phải chịu các hình phạt chính như bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 15 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và chịu các hình phạt bổ sung như bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 600 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Theo thống kê của Tòa án Nhân nhân tối cao năm 2018, giai đoạn 2015-2017, Tòa đã thụ lý 231 vụ vi phạm về động vật hoang dã với 339 bị cáo, trong đó 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm, 3 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, năm 2018, công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã có kết quả khả quan nhất với 82/98 vụ án được đưa ra xét xử (gần 84%), mức hình phạt trung bình là 5,29 năm tù/đối tượng. Đây là kết quả tức thì của Bộ luật Hình sự 2018 sửa đổi trong việc quyết định hình phạt với tội phạm về động vật hoang dã, bởi trước đó, năm 2017, thời hạn này chỉ là 1,25 năm tù.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà, năm 2020, Trung tâm đã kiến nghị các hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Để ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã, cơ quan chức năng không nên chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật mà cần xử lý cốt lõi của vấn đề bằng cách tập trung xác định, bắt giữ các đối tượng đứng sau các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép, từ đó triệt tiêu, xóa bỏ hoàn toàn các đường dây này.

Thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến bảo tồn loài hoang dã

Để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý loài động vật hoang dã. Để kịp thời ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, ngay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; ngăn chặn nạn săn, bắt tận diệt các loài chim hoang dã di cư.

 Cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 7394/BTNMT-TCMT về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã. Cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài di cư. Các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã…

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, nhiều địa phương đã ban hành công văn triển khai một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và xác định là nhiệm vụ thường xuyên, yếu tố đảm bảo thực hiện thành công trong việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã.

Dự kiến giữa năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên sẽ vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn từ 2010-2020.

MINH NGUYỆT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết