19/05/2018 - 07:43

Tân thủ hiến Catalonia gây tranh cãi 

Tân Thủ hiến xứ Catalonia Quim Torra (ảnh) hôm 17-5 đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ không có sự hiện diện của đại diện từ phía chính phủ trung ương ở Madrid.

“Tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ của một vị lãnh đạo khu vực, trung thành với ý nguyện của người Catalonia” - ông Torra cam kết khi tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 55 tuổi này không thề sẽ tuân theo Hiến pháp hay hiến chương Tây Ban Nha vốn quy định sự tự trị của Catalonia.

Theo AFP, lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Torra chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng vẫn tiếp diễn, Madrid, vốn thường cử đại diện đến tham dự các sự kiện của chính quyền khu vực, đã không cử bất kỳ ai đến tham dự lễ nhậm chức của ông Torra. Trong khi đó, tại buổi lễ chỉ xuất hiện cờ của Catalonia chứ không có cờ Tây Ban Nha như truyền thống. AFP cho biết, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis đã lên tiếng chỉ trích buổi lễ nhậm chức, cho rằng nó được lét lút tiến hành.

Tân Thủ hiến Torra được đích thân cựu Thủ hiến Carles Puigdemont chỉ định. Ông Torra nhấn mạnh rằng ông chỉ là một “thủ hiến tạm thời” trong thời gian chờ đợi sự trở lại của ông Puigdemont, người được ông xem là nhà lãnh đạo “hợp pháp” của Catalonia và hiện đang ở Thủ đô Berlin (Đức) chờ được dẫn độ về Tây Ban Nha do bị cáo buộc chống lại chính quyền trung ương và biển thủ công quỹ. Ông tuyên bố sẽ khôi phục nội các của người tiền nhiệm và sẽ thúc đẩy kế hoạch tạo ra một nhà nước độc lập.

Kể từ khi được bổ nhiệm, luật sư kiêm biên tập viên này được xem là con rối của ông Puigdemont. Và với những tuyên bố chống Tây Ban Nha trong quá khứ của mình, ông Torra được cho là không thích hợp để lãnh đạo chính quyền khu vực. Cụ thể, cách đây 6 năm, ông Torra đã viết một bài báo, trong đó miệt thị những người phản đối việc sử dụng tiếng Catalonia. Còn trong một chuỗi các bài viết trên trang cá nhân Twitter cùng năm, ông Torra  tố “người Tây Ban Nha chỉ biết cách cướp bóc”, cho rằng Catalonia đã bị Tây Ban Nha chiếm đóng từ năm 1714, và người Tây Ban Nha từ lâu đã xóa bỏ từ “xấu hổ” trong từ điển của mình. Mới hôm 15-5 vừa qua, ông Torra lại tiếp tục bị lên án do đã có “bài diễn văn đầy nguy hiểm, vô trách nhiệm và không thể chấp nhận”.

Một số nguồn tin cho biết các công tố viên Tây Ban Nha đang xem xét khả năng truy tố tội phân biệt chủng tộc đối với ông Torra xung quanh các bài viết của ông trên Twitter.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết