17/06/2018 - 18:44

Tân quan, tân chính sách 

Rốt cuộc thì cái kết có hậu cũng đến với hơn 600 người di cư được tàu Aquarius thuộc một tổ chức phi chính phủ (NGO) của Pháp-Đức cứu vớt trên Địa Trung Hải hồi tuần rồi. Sau khi Ý và Malta đùn đẩy trách nhiệm, không cho tàu cập cảng với cái cớ vị trí người di cư gặp nạn thuộc vùng phụ trách của nước kia, Tây Ban Nha và Pháp cuối cùng đã quyết định tiếp nhận họ.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, người di cư đã đến Valencia ngày 17-6.

Được biết trong số 630 nạn nhân có những phụ nữ mang thai và nhiều trẻ em. Họ đến từ 26 quốc gia, chủ yếu là châu Phi và một số nước châu Á như Afghanistan, Pakistan, Bangladesh. Việc chính phủ dân túy của Ý từ chối họ đã gây căng thẳng quan hệ Ý-Pháp khi ông chủ Điện Élysée Emmanuel Macron gọi hành động này là “vô trách nhiệm”. Nặng nề hơn, thị trưởng Joan Ribo của thành phố Valencia (Tây Ban Nha), nơi tàu Aquarius cập cảng ngày 17-6, gọi đó là “phi nhân tính”.

Theo AFP, một lực lượng gồm 2.320 người đã được huy động tới Valencia để hỗ trợ những người gặp nạn, trong đó có 1.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ và 470 phiên dịch viên. Hơn 600 nhà báo cũng có mặt để đưa tin về sự kiện này. Chính quyền Valencia cho biết đã nhận được hơn 2.000 cuộc gọi và tin nhắn đề nghị giúp đỡ người di cư.

Điều này cho thấy đang có sự thay đổi về lập trường của chính quyền Tây Ban Nha đối với người nhập cư. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez (thuộc đảng Xã hội) đã có cách tiếp cận thân thiện hơn với họ kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng 6. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp tránh thảm họa nhân đạo và cung cấp một nơi an toàn cho những người này”, ông Sanchez tuyên bố. Thủ tướng Sanchez cũng cám ơn Tổng thống Pháp Macron vì đã cam kết tiếp nhận một số người trên tàu Aquarius, gọi đây là “sự hợp tác mà châu Âu đang cần vào thời điểm này”.

Trong khi đó tại Ý, chính phủ liên minh giữa đảng dân túy Phong trào 5 sao và đảng cực hữu Liên đoàn, cũng được thành lập hồi đầu tháng 6, lại tỏ ra rất cứng rắn trong vấn đề nhập cư. Ngoài việc không cho tàu Aquarius cập cảng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, cũng là thủ lĩnh của đảng Liên đoàn, còn cảnh báo tàu cứu hộ do các NGO khác điều hành sẽ không được phép cập cảng Ý.

Viết trên Facebook cá nhân hôm 16-6, ông Salvini nhấn mạnh: “Ý không muốn trở thành kẻ đồng lõa với những tên buôn người cũng như tiếp tay cho hoạt động nhập cư bất hợp pháp”. Thông điệp của ông Salvini nhằm mục tiêu cụ thể vào hai tàu cứu hộ mang cờ Hà Lan do Lifeline và Seefuchs điều hành, hiện hoạt động ở vùng biển Libya. Theo ông Salvini, hai tàu này đang chờ để giúp những người di cư bị bọn buôn người bỏ lại và họ sẽ không được phép tiếp cận các cảng của Ý. Được biết, Phó Thủ tướng Salvini chính là nhân vật đứng sau “sáng kiến” trục xuất 500.000 người nhập cư bất hợp pháp vào đất nước hình chiếc ủng.

Tuy không cứng rắn như cấp phó nhưng tân Thủ tướng Giuseppe Conte, vốn là một giáo sư luật và không theo đảng phái nào, cũng rất quyết liệt trong ngăn chặn nhập cư và đòi các nước châu Âu khác chia sẻ gánh nặng với Ý, nơi hơn 600.000 người nhập cư đã đặt chân đến trong 5 năm qua. Thế nên khi đề cập đến vụ tàu Aquarius, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần rồi đã ca ngợi ông Conte rằng: “Giống như tôi, ông ấy rất mạnh mẽ trong vấn đề nhập cư”. 

 QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết