14/11/2021 - 11:17

Tận dụng tốt các FTA để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu 

Từ năm 2020 đến nay, tác động của đại dịch COVID-19 làm suy yếu cả sức mua của cả thị trường nội địa lẫn quốc tế và tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế quốc gia. Vì vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu được xem là giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó CPTPP (Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), RCEP (Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực)… được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản phẩm cá tra là mặt hàng nông sản có ưu thế trong các cam kết FTA. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH South Vina, TP Cần Thơ.

Nhiều cơ hội mở ra

Thống kê của cơ quan chuyên môn, các FTA có hiệu lực đều mang lại nhiều cơ hội xuất nhập khẩu cho DN Việt Nam. Với RCEP (được ký kết vào tháng 11-2020), hiệp định có quy mô lớn nhất thế giới với 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. RCEP chiếm 30% GDP toàn cầu và các đối tác trong RCEP chiếm 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP cũng chiếm tới 62% tổng FDI vào Việt Nam (tính đến tháng 10-2021). Theo dự kiến, RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022. Ðây là cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư cho Việt Nam và các đối tác trong bối cảnh suy giảm kinh tế mạnh do tác động của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

Theo Bộ Công Thương, với EVFTA, sau hơn 1 năm chính thức có hiệu lực thực thi, kim ngạch song phương giữa Việt Nam - EU đã có bước tiến đáng kể. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - EU đạt gần 41,3 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 31,7 tỉ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 thì con số này đã chứng tỏ các DN đang tận dụng rất tốt những ưu đãi thuế quan của thị trường EU; đồng thời cũng khẳng định DN Việt đã nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính này. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA là hiệp định được DN tận dụng rất tốt về thuế quan trong năm đầu có hiệu lực thực thi; đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, dệt may.

Còn với CPTPP, cán cân thương mại Việt Nam - EU vẫn đạt thặng dư; trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 31,7 tỉ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ… Các FTA thế hệ mới không chỉ tăng cơ hội xuất khẩu cho DN Việt mà còn thúc đẩy cải cách thể chế, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, để tận dụng tốt các cơ hội từ FTA thì DN phải thực sự hiểu rõ nội dung, quy định, cam kết và lộ trình thực thi hiệp định. Nhưng thực tế, rất nhiều DN còn mơ hồ về những quy định ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng môi trường, lao động, thông tin thị trường, sở hữu trí tuệ… của các nước thành viên tham gia FTA. Vì vậy, cần phổ biến rộng rãi cho DN, làm rõ những khó khăn, vướng mắc DN đang gặp phải để từ đó đề xuất chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ DN hội nhập hiệu quả hơn.

Ðể thách thức thành cơ hội

Thực tế, một số cam kết FTA thế hệ mới có số lượng đồ sộ, phức tạp, DN lại thiếu thông tin, nên khó hoạch định chiến lược phát triển. TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với RCEP để đạt hiệu quả thì DN phải nắm rõ nội dung cam kết, trên cơ sở đó tính toán cơ hội, thách thức cụ thể cho mình.

Mới đây, TS Trần Thị Hồng Minh đồng chủ trì với VCCI tổ chức hội thảo trực tuyến “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP: Ðánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”. TS Minh cũng khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế rất quan trọng, song không còn là động lực duy nhất cho cải cách thể chế kinh tế trong nước. Bởi Việt Nam đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế. Riêng với CPTPP là một hiệp định tiêu chuẩn cao, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ hiệp định phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của DN trong nước. Theo đó, hiệu quả sẽ phụ thuộc đáng kể vào cách tiếp cận đối với xây dựng pháp luật thực thi CPTPP. Dù khối lượng văn bản cần điều chỉnh, ban hành mới là rất đồ sộ, lại phải hoàn tất trong một thời gian ngắn, với chất lượng cao nhất sẽ là tiền đề để DN Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào sân chơi CPTPP.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp thì cho rằng, CPTPP đặt ra thách thức lớn và cơ hội cũng lớn; đặc biệt là cơ hội cho việc thúc đẩy cải cách hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam muốn đổi mới kinh tế như thế nào và xây dựng luật như thế nào là tốt. Bởi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn tăng các cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước phát triển vào năm 2045 thì đòi hỏi phải có hệ thống thể chế hoàn thiện hơn.

Theo bà Phạm Chi Lan, hiện các đối tác mới nộp đơn gia nhập CPTPP (gồm: Anh, Trung Quốc, Ðài Loan - Trung Quốc) đều có năng lực cạnh tranh tốt hơn Việt Nam. Thứ nhất là hệ thống kinh tế thị trường hoàn chỉnh hơn, đặc biệt là Trung Quốc. Thứ 2, hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, thích ứng tốt trong hội nhập và đều có nhiều kinh nghiệm trong tham gia FTA, hội nhập kinh tế quốc tế, có các mối quan hệ thị trường rất tốt với nhiều quốc gia, nên chiếm ưu thế hơn trong các đàm phán hiệp định so với Việt Nam. Trong 11 nước thành viên của CPTPP hiện tại thì ít quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, chủ yếu là gián tiếp, nhưng với các đối tác vừa nộp đơn tham gia thì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam do có nhiềm sản phẩm tương đồng.

“Ðây là thách thức đòi hỏi Việt Nam phải tự vươn lên để cạnh tranh tốt hơn. Nhất là đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam nhìn lại toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất, để vá các khoảng trống, tạo cơ hội cao hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi nếu Trung Quốc chính thức tham gia CPTPP thì lợi thế Việt Nam mất đi rất nhiều lợi thế, nhất là quốc gia này đang đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu. Việt Nam cần nâng cao được năng lực cạnh tranh bằng cải cách thể chế để đương đầu các thách thức trong hội nhập” - bà Lan nhấn mạnh.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết