14/01/2022 - 13:58

Tấm lòng của người thầy thuốc Quân y 

Cuộc chiến với COVID-19 vẫn còn nhiều cam go, thường trực những hiểm nguy. Với tinh thần của người lính, vượt qua tất cả khó khăn, những chiến sĩ, bác sĩ lực lượng quân y đang đồng hành, hỗ trợ các tỉnh, thành miền Tây chống dịch.

“Chia lửa” với miền Tây

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới “chốt” được cuộc gặp vào lúc 5 giờ sáng với Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Lớp chuyên khoa Hệ 1, Học viện Quân y (thành viên Ðoàn quân y của Bộ Quốc phòng vào hỗ trợ miền Tây Nam Bộ chống dịch COVID-19). Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn đang làm việc tại Tổ Y tế lưu động huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ðến trước 15 phút, nhưng chúng tôi chưa kịp trao đổi gì thì chuông điện thoại của Thượng úy Tuấn reo. Ðầu dây bên kia, người phụ nữ vừa khóc vừa kể người thân của chị nhiễm COVID-19 đang có triệu chứng khó thở, lên cơn sốt... Anh nhẹ nhàng hỏi chuyện rồi vừa động viên vừa hướng dẫn tỉ mỉ cách xử trí, chăm sóc người bệnh. Sau khi nghe tư vấn, giọng người phụ nữ bình tĩnh trở lại. Chị đo lượng ôxy trong máu và cặp nhiệt độ cho người thân, báo lại kết quả cho anh Tuấn là các chỉ số ở ngưỡng chưa nguy hiểm...

Các y, bác sĩ Quân y điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP Cần Thơ.

“Có người thân mắc bệnh, ai mà không lo nhưng nhiều người vì quá lo lắng nên rối trí, cứ nghe người thân là F0 nói khó thở, sờ đầu thấy ấm nóng là vội vàng gọi điện cho Tổ Y tế đề nghị cấp cứu. Vì vậy, việc đầu tiên là chúng tôi phải trấn an và hướng dẫn bà con đo lượng ôxy, đo nhiệt độ để biết đích xác các chỉ số của bệnh nhân, làm cơ sở xử trí phù hợp” - Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn mở đầu câu chuyện.

Thượng úy Tuấn kể, đêm nào cũng có nhiều cuộc gọi và phải trả lời, phản hồi tin nhắn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bất kể giờ giấc. Có hôm, liên tục vài ca F0 đang điều trị tại nhà trở nặng, Tổ Y tế phải cấp tốc lên đường đến nhà cấp cứu cho bệnh nhân. “Ðây là lần thứ hai tôi được tăng cường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Ðợt trước, tôi vào TP Hồ Chí Minh thì vợ tôi sinh con đầu lòng. Nay con hơn 2 tháng tuổi, tôi chưa được gặp thì lại tiếp tục vào Trà Vinh. Dù nhớ vợ con, nhưng trong lúc nhân dân cần, mình phải tạm gác lại, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ” - Thượng úy Tuấn bộc bạch.

Cũng với trái tim đầy nhiệt huyết, vừa hết thời gian cách ly y tế sau chuyến đi chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Thượng úy, BS Tạ Vũ Tòng (Lớp chuyên khoa I, Học viện Quân y) lại tình nguyện vào TP Cần Thơ. Anh được điều động hỗ trợ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ - một trong những bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của thành phố. Ngay khi nhận nhiệm vụ, anh và các thầy thuốc Quân y khác đã nhanh chóng bắt tay vào việc, nỗ lực cứu chữa người bệnh. Thượng úy Tạ Vũ Tòng chia sẻ: “Ở đây, các bệnh nhân đều là những ca bệnh nặng phải thở máy. Vệ sinh cá nhân, ăn uống, liên lạc với người nhà hằng ngày... đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Ðây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi, bởi vì được đến những cơ sở điều trị mới, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác nhau và học hỏi thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, địa phương cũng hết sức nỗ lực cùng với đoàn trong công tác chăm sóc, điều trị, khiến mọi việc đều thuận lợi”.

Mỗi bác sĩ quân y đến hỗ trợ miền Tây chống dịch đều lạc quan, với tâm thế chống dịch “không thắng không về”. Thượng tá Ðinh Xuân Nam, Trưởng đoàn Quân y tăng cường tại TP Cần Thơ, cho biết: “Anh em cán bộ y, bác sĩ khi được đơn vị lựa chọn tham gia tăng cường vào tuyến đầu chống dịch, ai cũng phấn khởi, tự hào bởi được góp một phần công sức bé nhỏ của mình vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Khi vào đến nơi, ai cũng khẩn trương ổn định nơi ăn, ở dã chiến để nhanh chóng bước vào thực hiện nhiệm vụ được ngay”.

Hết lòng vì bệnh nhân

Ở những khu điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng, lằn ranh sự sống và cái chết rất mong manh. Chia sẻ với chúng tôi, Ðại úy Phùng Tiến Giang, bác sĩ của Bệnh viện 354 hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Ngày nào chuyển được từ 2 đến 3 bệnh nhân nặng xuống tầng dưới là ngày đó niềm vui ngập tràn. Chia tay bệnh nhân nặng, nhận lời cảm ơn từ người bệnh, chúng tôi vô cùng xúc động. Ðó là những thứ quý giá nhất mà người làm nghề y như chúng tôi luôn mong có được”.

Vừa thoát được “cửa tử” sau 10 ngày chiến đấu với COVID-19, ông Nguyễn H.D ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bộc bạch: “Do có bệnh nền nên diễn biến bệnh của tôi nhanh trở nặng. Nếu không có đội ngũ y, bác sĩ tận tình chăm sóc thì tôi không dám nghĩ có ngày mình có thể ngồi dậy để cảm nhận nhịp sống hằng ngày. Tôi rất cảm động với sự tận tình chu đáo của các thầy thuốc ở bệnh viện”.

Theo Bác sĩ CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ, bệnh viện là một trong những cơ sở điều trị tuyến cuối cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và vừa. Dù đã thực hiện tất cả các biện pháp bảo hộ an toàn nhưng đội ngũ thầy thuốc cũng luôn đối diện với nguy cơ lây nhiễm và không tránh khỏi căng thẳng, mệt mỏi. Sự chi viện, giúp đỡ kịp thời của các thầy thuốc Quân y đã tạo động lực rất lớn để các y, bác sĩ toàn bệnh viện vượt qua thử thách này. “Trong đợt tăng cường về bệnh viện có 24 y bác sĩ, trong đó có 8 bác sĩ và 16 điều dưỡng. Gần 1 tháng nay, cùng với các y, bác sĩ bệnh viện, các thầy thuốc Quân y, Bộ Quốc phòng vẫn ngày đêm vật lộn, giành giật sự sống cho người bệnh. 8 giờ liên tục trong bộ đồ bảo hộ ở mỗi ca trực, các y, bác sĩ luôn gần gũi, nhẫn nại để tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh yên tâm điều trị. Ðoàn đến cũng tạo được niềm tin cho anh em y bác sĩ của bệnh viện, tạo niềm tin chiến thắng, thể hiện tình đoàn kết Quân - Dân...” - Bác sĩ CK II Trần Quốc Luận nói.

Với tinh thần xông pha của người lính, sự nỗ lực hết lòng vì bệnh nhân, những y, bác sĩ Quân y vẫn đang ngày đêm tiếp sức cùng lực lượng y tế địa phương thêm vững tin để tiếp tục chống dịch.

Bài, ảnh: THÚY AN

Chia sẻ bài viết