04/09/2018 - 09:21

Tai nạn điện - Một phút bất cẩn, thương tật cả đời 

Từ đầu mùa mưa đến nay, Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận nhiều ca điện giật. Chỉ một phút bất cẩn, tai nạn điện xảy ra, để lại hậu quả nặng nề, thương tổn cả tâm lý lẫn khả năng lao động.

Nỗi đau từ bỏng điện

Dù tai nạn xảy ra đã gần 3 tháng nhưng khi kể lại, Trịnh Hải Đ., 18 tuổi ở ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn. Đ. làm thợ hồ, leo lên mái nhà để lợp tôn, khi đứng lên không may đụng đầu vào dây điện cao thế, ngất xỉu trên mái nhà. Sau đó, nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu ở cơ sở y tế địa phương. Sau mười mấy ngày điều trị, do bỏng nặng, hoại tử da đầu nên ngày 18-6, Đ. được chuyển đến Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ,  Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đ. bị bỏng độ III, IV, bỏng phần đầu, bụng và hai chân. Trong đó nặng nhất là đầu, hoại tử da, lộ cả sọ não. Đ. trải qua 3 lần nhập viện với nhiều lần mổ.

Bác sĩ Tần Ngọc Sơn xem xét vết bỏng cho bệnh nhân Trịnh Hải Đ.

Hôm gặp chúng tôi, Đ. nhập viện để bác sĩ chỉnh phần vạt da mới ghép cho đẹp hơn. Tuy nhiên, phần da ghép vào không thể mọc tóc. Muốn tóc mọc thì phải đặt túi giãn da, trải qua thêm thời gian điều trị từ 1-2 tháng nữa. Chị ruột Đ. cho biết: Nằm bệnh viện gần 3 tháng (tuần nằm viện, tuần về), lúc đầu chưa có bảo hiểm y tế, cộng với chi phí đi lại, ăn uống  rất tốn kém... nên chuyện đặt túi giãn da quá xa vời.

Nằm cạnh phòng Trịnh Hải Đ., là bệnh nhân Nguyễn Công Đ., 17 tuổi,  ở phường Long Hưng, quận Ô Môn. Nguyễn Công Đ. nhập viện từ ngày 6-7 do bị bỏng điện. Cha em cho biết: Phụ người bà con, Công Đ. trèo lên nóc nhà treo lá cờ, không may, cán cờ làm bằng sắt, dù cách đường dây cao thế hơn 1m, nhưng bị phóng điện, gây bỏng nặng, quần áo cháy hoàn toàn, lá cờ cầm trong tay cháy hết. Theo các bác sĩ, Nguyễn Công Đ. bị bỏng độ II, III; ngực, bụng, 2 chân, tay đều bị bỏng.

Sơ cứu khi bị bỏng điện

Theo bác sĩ Tần Ngọc Sơn, Trưởng Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, với bệnh nhân Trịnh Hải Đ., các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc phần hoại tử, lộ xương sọ, mổ chuyển vạt da từ đùi nối vi phẫu che xương sọ lại, nối mạch máu lên động mạch thái dương nuôi da, chỉnh vạt da... Với bệnh nhân Nguyễn Công Đ., tay phải bỏng nặng, tay bị sưng căng, bác sĩ phải mổ 2 lần, giải áp tránh chèn ép khoang do bỏng điện sâu, khâu vết thương và chăm sóc rồi ghép da.

Khác với bỏng nhiệt (bệnh nhân bị đốt từ ngoài vào trong, cũng như tổn thương từ ngoài vào trong), bệnh nhân bỏng điện bị tổn thương từ trong ra ngoài, do dòng điện chạy trong cơ thể và đốt cháy cơ thể. Vì vậy, bỏng điện thường sâu hơn các bỏng khác, tổn thương da và tổ chức dưới da thường nặng hơn. Vết bỏng có nguy cơ bị hoại tử cao và dẫn đến tắc mạch, hoại tử chi, có trường hợp phải cắt cụt chi.

Gần đây, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng điện do sơ suất trong lúc sửa nhà, xây dựng nhà… Việc điều trị bỏng thường dài ngày, tốn kém và để lại những tổn thương tâm lý, thể xác cho bệnh nhân. Cả hai nạn nhân trên đều bị suy giảm khả năng lao động, tổn thương tâm lý khi tuổi đời còn rất trẻ.

Theo bác sĩ Tần Ngọc Sơn, khi phát hiện nạn nhân bị bỏng điện, cần cách ly bệnh nhân khỏi dòng điện đang tiếp xúc, đặt bệnh nhân lên mặt phẳng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh, tiếp xúc tốt, để  bộc lộ vùng bỏng, đắp gạc ướt hoặc cho dòng nước qua (xối nhẹ nước) để giảm nhiệt độ do bỏng, băng ép nhẹ, cho bệnh nhân uống nước trà đường, nước lọc để bù nước, chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu và chuyển đến bệnh viện có chuyên khoa bỏng. Trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, khi có tim lại, chuyển cơ sở y tế gần nhất.

Trong điều kiện thời tiết mưa, nguy cơ chập cháy hoặc phóng điện rất dễ xảy ra. Vì vậy, việc sử dụng điện cũng như làm việc dưới mưa gần nguồn điện cần phải cẩn thận, đảm bảo an toàn.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Tai nạn điện