07/12/2020 - 08:04

Tái cấu trúc nông nghiệp vùng ÐBSCL 

Theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ "Về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)" cũng như các chính sách phát triển của quốc gia, ĐBSCL được định hướng phát triển thành trung tâm nông nghiệp lớn có tầm quan trọng cấp quốc gia và khu vực. Việc tái cấu trúc nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt ra yêu cầu phải gắn liền với phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân; phải thuận với tự nhiên, thích ứng tốt hơn với BĐKH. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa để phát triển thị trường.

Khâu đóng gói và cấp đông trái cây tươi xuất khẩu tại Công ty CP BJ&T (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Phát huy lợi thế

Theo dự thảo Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) chủ trì xây dựng, ngành Nông nghiệp ở ÐBSCL được các chuyên gia tư vấn đánh giá vẫn phụ thuộc quá nhiều vào lúa gạo, mặc dù có năng suất cao nhưng chi phí lớn và lợi nhuận đang có xu hướng giảm dần. Sản xuất có quy mô nhỏ và phân tán, mức độ cơ giới hóa thấp, chế biến sâu còn hạn chế, chuỗi giá trị nông nghiệp chưa hoàn thiện... Theo Bộ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Chí Dũng, nông nghiệp hiện là trụ cột phát triển kinh tế chính của ÐBSCL nhưng phát triển chưa thực sự bền vững, chưa khai thác hết tiềm năng; vẫn theo xu hướng tối đa hóa sản lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu ngành Nông nghiệp nặng về thâm canh lúa với năng suất tuy cao nhưng chi phí lớn, giá trị gia tăng thấp. Tài nguyên đất và nước bị khai thác cường độ cao và bắt đầu suy thoái, ô nhiễm. Song nhìn về cơ hội phát triển, nông nghiệp vùng ÐBSCL đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thế giới với nhu cầu ngày càng tăng, như nông sản hữu cơ, tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo… Ðiều quan trọng là cần tận dụng tối đa cơ hội do các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại, thúc đẩy nông nghiệp hiệu quả cao trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị, chất lượng cho sản phẩm của vùng.

ÐBSCL sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa/năm. Theo Quy hoạch vùng, dự kiến sản lượng lúa sẽ giảm xuống khoảng 16 triệu tấn vào năm 2050, trong khi vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất lúa gạo vẫn sẽ được chú trọng cùng với nuôi trồng thủy sản và tăng diện tích, nâng cao hiệu quả canh tác, chế biến rau màu, trái cây. Ðịnh hướng giảm diện tích trồng lúa mở ra cơ hội mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản hoặc xen canh với lúa, rau màu tại các tiểu vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp. Ðối với cây ăn trái cũng là sản phẩm thế mạnh của vùng, Quy hoạch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ hình thức trồng cây ăn trái rải rác trong vườn nhà sang phát triển các vùng chuyên canh để có thể áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ðồng thời, quan tâm đến khâu chế biến và bảo quản thông qua việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới như bao gói trái cây, xử lý, sơ chế, xây dựng kho lạnh cần được đầu tư một cách đồng bộ cho các vùng chuyên canh vườn cây ăn quả và kết nối với các vùng công nghiệp chế biến, các đầu mối thị trường. Ðây là bước đầu tư trọng tâm để phát huy được lợi thế đặc biệt về phát triển cây ăn quả của ÐBSCL.

Linh hoạt chuyển đổi

Ðịnh hướng phát triển cho ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp theo lãnh thổ và ngành hàng chiến lược. Theo ông Ian Hamilton, đại diện Liên doanh Royal Haskoning DHV và GIZ, ÐBSCL cần tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các tiểu vùng sinh thái và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực, thích ứng với BÐKH, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh và gắn với thị trường. Ðẩy mạnh sự phát triển các tiểu vùng thông qua các trung tâm đầu mối nông nghiệp. Phát triển cân bằng, hướng tới các khu vực vùng sâu, vùng xa để nhiều người dân được hưởng lợi từ sự phát triển trong tương lai. Bên cạnh vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sản xuất và đời sống, cần vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác, quan tâm đến các hoạt động khuyến nông hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang hiện đại.

Tác động của BÐKH lên hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ÐBSCL đặt ra yêu cầu phải nuôi dưỡng các nguồn tài nguyên hiện hữu, giảm thiểu các rủi ro, thích ứng với những biến đổi mới. Theo chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, thời gian qua, việc ngọt hóa vùng mặn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp song đã dẫn đến tình trạng dễ "thất thủ" trong bối cảnh mới, thách thức xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, mất tài nguyên thiên nhiên, chi phí duy tu công trình tăng dần… Do đó, cần xem xét đến các vấn đề ưu tiên trong chuyển hóa nền nông nghiệp của ÐBSCL như giảm lượng, tăng chất, tăng chế biến, tăng chuỗi giá trị, giải quyết vấn đề sụt lún, giảm sử dụng nước ngầm và tìm nguồn thay thế; ưu tiên các giải pháp phi công trình hơn là các giải pháp đầu tư công trình kiên cố.

Nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững lâu dài, thay vì lợi ích trước mắt; đổi mới tư duy và cách tiếp cận đối với bài toán phát triển của ÐBSCL, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Ðại học Fulbright, cho rằng: ÐBSCL cần phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho nền sản xuất nông nghiệp truyền thống. Cụ thể là thị trường hóa hoạt động nông nghiệp, gắn với thị trường để ổn định đầu ra; công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng. Ðồng thời dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và hiệu quả. Cần thay đổi các quan điểm về an ninh lương thực, từ đó tạo không gian linh hoạt cho các địa phương chuyển đổi và tái cơ cấu nông nghiệp. Cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau để tăng hiệu quả, thích ứng thị trường và BÐKH.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, một trong các điểm nhấn chính của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hòa với điều kiện tự nhiên môi trường. Phát triển vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực. Do đó, đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL cần tập trung vào các giải pháp nâng cao giá trị nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu. Đặc biệt là phát triển nền nông nghiệp bền vững, hài hòa với việc đảm bảo sinh kế và hạnh phúc của người dân trong vùng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết