16/07/2016 - 15:05

Tác động to lớn của chất béo “tốt” và chất béo “xấu” đối với nguy cơ tử vong

Chất béo "xấu" từ lâu đã bị xem là không lành mạnh đối với sức khỏe. Tai hại hơn, nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Harvard (Mỹ) còn phát hiện, ăn nhiều chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Ngược lại, chất béo "tốt" gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa lại có thể cắt giảm nguy cơ tử vong tới 27%.

"Nghiên cứu này là biện pháp đánh giá mạnh mẽ và chi tiết nhất về mối quan hệ giữa nhiều loại chất béo khác nhau với tỷ lệ tử vong. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng không phải mọi loại chất béo đều được tạo ra như nhau, và tiêu thụ chất béo không bão hòa lành mạnh thay cho chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa kém lành mạnh là giải pháp quan trọng để sống thọ và sống khỏe" – Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Frank B. Hu tại Trường Y tế công cộng Harvard T.H Chan, cho biết.

Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta lựa chọn nhóm thực phẩm chứa chất béo "tốt" (trái) và loại bỏ nhóm thực phẩm chứa chất béo "xấu". Ảnh: healthnutritionguru.com

Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Hu và các cộng sự đã phân tích thói quen ăn uống của hơn 126.000 nam giới và phụ nữ trong 32 năm. Lúc bắt đầu tham gia nghiên cứu, tất cả các tình nguyện viên đều không có dấu hiệu mắc bệnh ung thư, tiểu đường típ 1 và 2 hoặc bệnh tim. Trong bảng câu hỏi, họ được yêu cầu cung cấp tần suất tiêu thụ hơn 150 loại thực phẩm béo cũng như các loại bơ thực vật, chất béo hoặc dầu mà họ sử dụng để chuẩn bị món ăn.

Các chuyên gia sau đó so sánh kết quả thu được với tỷ lệ tử vong và phát hiện rằng tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat) có liên quan với việc gia tăng tỷ lệ tử vong. Trong khi đó, tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa đơn (monounsaturaed fat) và chất béo không bão hòa đa (polyunsaturaed fat) liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong. Theo đó, nếu người tham gia thay thế dù chỉ 5% calorie mà họ tiêu thụ từ chất béo "xấu" bằng chất béo không bão hòa đa, họ có thể giảm tới 27% nguy cơ tử vong, còn nếu thay bằng chất béo không bão hòa đơn, nguy cơ tử vong giảm 13%.

Ngoài ra, các chuyên gia còn so sánh mức độ tiêu thụ chất béo với các nguyên nhân gây tử vong khác nhau, gồm các bệnh tim mạch, ung thư, thoái hóa thần kinh và bệnh đường hô hấp. Họ phát hiện ra nhiều "điều mới mẻ và thú vị". Chẳng hạn, những người tiêu thụ nhiều chất béo lành mạnh ít có nguy cơ tử vong vì bệnh thoái hóa thần kinh và bệnh đường hô hấp, nhưng nguy cơ mất mạng vì hai nguyên nhân này lại tăng cao ở những người dùng nhiều chất béo chuyển hóa. Tương tự, nguy cơ tử vong do bệnh đường hô hấp cũng gia tăng đáng kể ở những người tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa. Nghiên cứu còn phát hiện việc dùng tinh bột để thay thế nhu cầu calorie từ chất béo không giúp giảm nguy cơ tử vong, do đó, mọi người nên cân nhắc thật kỹ việc này.

Vai trò khác nhau của các loại chất béo

- Chất béo không bão hòa đa chứa các chất béo thiết yếu mà cơ thể không tự sản xuất được, như các axít béo omega-6 và omega-3. Do đó, chúng ta phải bổ sung chúng từ thực phẩm, chẳng hạn như các loại hạt, cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi…), tảo và rau lá xanh. Ngoài tác dụng làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư và bệnh mạch vành, tiền chất của axít béo omega-6 gọi là axít linoleic còn được chứng minh giúp giảm cholesterol "xấu", cải thiện huyết áp và độ nhạy insulin. Axít linoleic có nhiều trong dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu hoa rum, quả óc chó, hạt hướng dương, hạt bí… Trong khi đó, tiền chất của axít béo omega-3 là axít α-linolenic (có nhiều trong dầu hạt lanh, dầu hạt cải, dầu đậu nành, quả óc chó và các loại rau lá xanh) có khả năng phòng ngừa nguy cơ tử vong do các bệnh thoái hóa thần kinh.

- Chất béo không bão hòa đơn có thể làm giảm nồng độ cholesterol "xấu" và giúp cơ thể tăng hấp thụ vitamin E. Chất béo lành mạnh này có nhiều trong dầu ô-liu, trái bơ, bơ đậu phộng, các loại quả-hạt khô.

- Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ (bò, heo, cừu…) và các sản phẩm bơ sữa, từ lâu bị xem là một trong những tác nhân dẫn tới béo phì và làm tăng nguy cơ tử vong. Trong khi đó, chất béo chuyển hóa là "thủ phạm" chính gây ra các vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Harvard cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tim tăng 23% cho mỗi 2% calorie hấp thu từ chất béo chuyển hóa.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết