01/08/2022 - 23:02

Tập huấn cán bộ, nhân viên y tế toàn quốc về chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ

(CT) - Ngày 1-8-2022, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tập huấn trực tuyến toàn quốc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đầu mùa khỉ. Tại TP Cần Thơ, có 4 điểm cầu tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Thế giới ghi nhận 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia. Ngày 23-7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu và kêu gọi các quốc gia khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Việt Nam hiện chưa phát hiện ca bệnh xâm nhập. Bộ Y tế kích hoạt văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ khi có các thông tin đầu tiên về căn bệnh này. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Vì thế, việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị, ngăn chặn sự lây lan là hết sức cần thiết. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 209/QÐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Ðể chủ động ứng phó với bệnh đầu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị. Ðồng thời, tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến; truyền thông nâng cao ý thức của người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia. Ở miền Bắc cúm A và ở miền Nam sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch trùng dịch. Vì thế ngành Y tế phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để ứng phó với bệnh đầu mùa khỉ.

Tại cuộc họp, đại diện WHO cho biết: Bệnh đầu mùa khỉ đa số là nhẹ tự khỏi nhưng cần phải được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bởi bệnh nhân bị tổn thương da thì có tâm lý mặc cảm. Cần lưu ý các nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, những nhóm này cần được phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ để giảm thiểu tiến triển nặng. Ở thời điểm hiện nay, dựa trên những rủi ro và lợi ích đã được đánh giá hiện tại, trong khi virus không lây lan dễ dàng và bệnh nhân thường tự hồi phục, WHO cho rằng việc tiêm chủng hàng loạt không được khuyến khích.

H.HOA

Chia sẻ bài viết