Trải qua những thăng - trầm của cuộc sống, làng nghề đan đát Long Giang (xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vẫn đứng vững dù không tránh khỏi nhiều khó khăn. Hiện nay, làng nghề vẫn đang tiếp tục phát triển, người dân vẫn “sống được” với cái nghề đã gắn bó với họ qua nhiều thế hệ.
Công việc đan đát đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ.
Nghề đan đát xã Long Giang được hình thành và phát triển cách đây khoảng 100 năm, tập trung ở 2 ấp Long Mỹ 2 và Long Phú. Tổ trưởng làng nghề đan đát Long Giang Đinh Hùng Cường cho biết, làng nghề hiện có khoảng 130 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm hơn 450 lao động ở địa phương. Ngoài ra, còn có 6 cơ sở chuyên thu mua, phân phối sản phẩm ra thị trường. Làng nghề sản xuất các mặt hàng như rổ, thúng, sề… Trong đó, thúng được chia thành: thúng 5 lít, 10 lít, 20 lít và thúng 40 lít; giá bán dao động từ 33.000-100.000 đồng/cái. Đối với sề được chia làm 2 loại: loại lớn có giá từ 42.000 đồng và loại nhỏ có giá 25.000 đồng (giá bán cho thương lái). Tuổi thọ bình quân mỗi sản phẩm có thể lên đến 5-10 năm.
Để làm ra một sản phẩm đan đát phải trải qua ít nhất 10 công đoạn như: tách, chẻ, vót nan tre, trúc làm nguyên liệu, gài, đan đát, lận, nứt... để hình thành sản phẩm. Khâu chọn lọc nguyên liệu quyết định độ bền chắc của sản phẩm. Ông Trần Văn Quôi, ngụ ấp Long Mỹ 2, cho biết: “Cây tre, trúc được chọn làm nguyên liệu nếu quá già sẽ giòn, dễ gãy, khó uốn. Còn những cây tre còn non sẽ không có độ dẻo dai, dễ bị mối mọt cắn phá, sản phẩm sẽ mau hư hỏng hơn”.
Nghề đan đát đã giúp ông Quôi có thêm nguồn thu trang trải chi phí sinh hoạt và cho con học hành. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông có thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng. Một trong cái hay của nghề là hầu như ai cũng có thể tham gia. Những công việc nặng nhọc như chặt tre, chẻ thanh thường do cánh đàn ông đảm nhận. Các công việc đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mẩn thì phụ nữ sẽ tham gia. Đối với các em nhỏ, sau thời gian đi học có thể phụ giúp cha mẹ thông qua các công việc đan đát, cạo vỏ tre, trúc… Tuy thu nhập không nhiều, nhưng đã giúp các em trang trải một phần chi phí trong việc học hành.
Năm 2007, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh An Giang, làng nghề đan đát xã Long Giang đã xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường khắp các tỉnh miền Tây như: Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… cho đến nước bạn Campuchia. Ông Đinh Hùng Cường, Tổ trưởng làng nghề, chia sẻ: “Hiện nay, làng nghề dần phát triển ổn định. Nhiều khách hàng chủ động liên hệ với chúng tôi qua website của làng nghề để đặt hàng. Có đến 80% sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương lái nên đảm bảo đầu ra sản phẩm”.
Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, khoảng 5 năm trở lại đây, làng nghề đan đát xã Long Giang có nhiều đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Có khoảng 10 hộ đồng thời sản xuất các mặt hàng truyền thống và sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí và tặng phẩm cho khách du lịch. Bà Lê Kim Hà, chủ một cơ sở trong làng nghề đan đát Long Giang, cho biết: Khoảng 5 năm trước, trong một lần tham gia hội chợ ở tỉnh bạn, thấy nhiều cửa hàng có trưng bày các loại thúng, rổ, sề kích thước nhỏ và được trang trí bắt mắt nên bà quyết định đẩy mạnh sản xuất nhằm đưa ra thị trường để thử nghiệm. Sau nhiều lần trưng bày tại các kỳ hội chợ do tỉnh tổ chức và được đánh giá khá cao, cơ sở bắt đầu phát triển song song 2 dòng sản phẩm cho đến nay.
Nhờ thị trường ổn định, đa dạng sản phẩm, đặc biệt xây dựng được thương hiệu cho làng nghề nên việc sản xuất của các hộ trong làng nghề vẫn thuận lợi, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập từ 40.000-150.000 đồng/ngày.
Bài, ảnh: PHI ĐIỆP